Cafe buổi sáng cùng Tony

Tập hợp các câu chuyện thú vị của Tony buổi sáng (TnBS).

Sinh hoạt với giáo viên

Trong cuộc đời cắp sách, Tony suýt bị đuổi hạc 1 lần. Còn lên "sinh hoạt " với cô chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng thì không biết bao nhiêu mà nói. Giờ nghe chữ “ sinh hoạt ” là run bắn người vì sợ. Nguyên nhân cũng tại những suy nghĩ không theo ba-rem của mình, cô chủ nhiệm thì sợ mất thi đua, còn thầy hiệu trưởng thì sợ mình rớt tốt nghiệp lớp 9. Văn chương cứ phải trong đáp án mới có điểm. Ví dụ: hạc sinh nói được cô Kiều đẹp gái, cô Tấm dịu hiền: 0.25 điểm, Thạch Sanh đẹp trai: 0.25 điểm, Lý Thông độc ác: 0.25 điểm. Miêu tả 1 buối tối đầm ấm của gia đình em, hạc sinh nêu được “ bà ngồi khâu áo : 0.5 điểm, bố ngồi đọc báo : 0.5 điểm, đèn dầu leo lét : 0.5 điểm…, chứ đứa nào miêu tả thiệt “ bố đi nhậu chưa về, mẹ đang xem phim Hàn Quốc, anh Hai đang chơi game" thì không có trong đáp án nên không có điểm.




Thôi giờ ví dụ 1 quan điểm khác đáp án của Tony nè:

Đề bài: “Em hãy nêu ý nghĩa bài ca dao sau:

Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng. Nhụy vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bài làm của Tony:

Đây là 1 bài ca dao em thấy không hay ho gì. Đặc biệt là câu cuối, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Em không thấy bùn có mùi tanh hôi gì cả, đơn giản nó là mùi bùn. Vấn đề là bùn đã nuôi nấng cho sen, che chở cho sen, cung cấp dưỡng chất cho sen. Từ lúc chỉ là cái ngó bé nhỏ mong manh, chính bùn đã giúp cho cái ngó vươn lên khỏi mặt nước, trở thành cây sen mới. Rồi khi đạt thành quả là 1 đóa hoa, lại quay qua chê bùn hôi tanh, may mà mình không bị.

Cứ thử mọc ở nơi nước trong leo lẻo thì sen có tươi tốt được không? Chính cái bùn đấy, cái hôi tanh hôi mới có được hoa sen kia.

Kết luận: Em thấy đâu phải bài ca dao nào từ xưa để lại cũng hay cũng đúng. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chúng ta nên có lòng biết ơn trong cuộc sống”
----------------------------------

Đọc xong, cô giáo cầm bài văn tức tốc chạy lên gặp thầy hiệu trưởng.

15 phút sau, thầy hiệu trưởng xuất hiện ở cửa lớp. Khóc

Giáo trình 100 bài tài liệu học viện WEST POINT P5

Bài 5: Chuyện nói dối 

Những điều Dượng đi nước ngoài thấy hay, viết lên, mọi người tưởng là các bài hạc đạo đức, chứ thực ra không phải, đó chỉ là cái văn minh nhân loại. Nhiều bạn nhiễm mấy cái thói phi văn minh, nhưng mọi người xuề xoà bỏ qua, thế rồi càng ngày càng nặng, hết thuốc chữa. Đầu tiên là nói dối. Dượng ghét cay ghét đắng. Sao mới nhỏ xíu đã nói dối rồi. Phải từ bỏ ngay, lớn lên quen cái thói dối trá đó thì sẽ khổ lắm.

Trung thực thiệt thà hẻm có thua thiệt đâu, chỉ là bất lợi chút ít trong 1 giai đoạn ngắn. Về lâu dài, thói quen trung thực giúp mình nhiều thứ, đặc biệt là lòng tin và tình cảm của người khác. Người ta tin và thương thì làm gì cũng dễ.

Nói dối phải kèm với trí nhớ siêu việt. Vì phải nhớ hết mọi thứ đã từng nói để cho khớp. Chi cho mệt vậy, dành trí nhớ đó cho ngoại ngữ, cho việc đọc những áng văn đẹp, những dòng thơ, những bản nhạc tuyệt vời, cho công việc chuyên môn có phải hay hơn không.

Bạn dượng làm ở đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc, nó nói tụi tao cấp visa chủ yếu dựa vào sự trung thực của người phỏng vấn. Nhìn cái tướng đi, cái mặt, cái miệng, cái ánh mắt...là tao biết là đứa nói dối, nên tụi tao đánh rớt luôn, dù hỏi vài câu cho vui. Nó phỏng vấn 5 lần tao đánh rớt cả 5. Nhiều bạn đi du hạc hay du lịch phỏng vấn miết mà không đi được, dù có thư nhập hạc của trường uy tín bên nước ngoài, hay cầm một đống giấy tờ chứng minh sở hữu nhà đất nhưng tụi nó vẫn đánh rớt. Nguyên nhân là bệnh nói dối đã ăn vào máu, nói 1 câu ra là phải có cái gì đó không sự thật mới chịu được.



Nhiều công ty phỏng vấn nhân sự cũng vậy, họ hỏi " bạn có bao giờ nói dối không". Và có công ty yêu cầu duy nhất là " bạn lỡ nói dối trong quá khứ rồi, nhưng khi vô đây, bạn có đồng ý và thề là sẽ chấm dứt hành vi hạ đẳng đấy không, nếu đồng ý thì chúng tôi nhận bạn". Muốn phỏng vấn xin hạc bổng, xin vô cty đa quốc gia, đàm phán với nước ngoài buôn bán làm ăn, trong tình yêu, tình bạn và trong mọi sinh hoạt, cứ phải trung thực làm đầu, sẽ thành công. Mình ma lanh mưu mẹo làm gì lại nó mà bày đặt. Mình nói 2 câu phi logic là sẽ khiến người ta nghi ngờ, mất lòng tin. Mà không có lòng tin, thì không thể làm việc với nhau. Không thể đến được với nhau.

Hồi đó có anh bạn làm cùng công ty Nhật, tên Thông, lớn hơn dượng mấy tuổi, ảnh dân Hải Phòng, vào Sài Gòn ở trọ đi làm nên buổi tối ảnh hay rủ Dượng đi cà phê. Thấy ảnh 30 tuổi rồi mà chưa có vợ nên bố mẹ ngoài Bắc sốt ruột, mới giới thiệu một cô tên Hồng làm phóng viên báo gì đó ở Hà Nội. Điện thoại email chat yahoo cả tháng trời, có lần cổ bay vào Sài Gòn chơi. Cái dượng và Thông đưa đi cà phê. Thấy cổ cũng lanh lợi, đẹp gái nên dượng duyệt, nói anh Thông cua đi, OK đó. Cổ ( tức cô ấy) nói em sinh ra ở phố Hàng Ngang hàng Dọc, cấp 1 hạc trường Hoàn Kiếm, cấp 2 Ngô Sĩ Liên, cấp 3 Amsterdam chuyên Sử, đại hạc tuyển thẳng vô trường báo chí. Dượng hâm mộ liền. Tại hồi xưa dượng thích đứa trường chuyên lớp chọn. Cổ cũng đưa luôn photo cái bằng đại hạc, rồi một số bài viết trên báo có tên cổ nữa. Dượng mê quá trời, nói cô này lấy làm vợ thì tuyệt, nên ra sức ca ngợi ép anh Thông lấy cho được. Cổ nói gốc gác nhà em mấy đời ông tiến sĩ thời Gia Long Minh Mạng. Rồi thu nhập gia đình em cao lắm, đi làm báo cho vui thôi. Em vô chơi với mấy anh 2 ngày, mốt là em đi Paris viết phóng sự về nước Pháp.

Cái dượng đãi đặc sản Sài Gòn liền. Đưa đi ăn cá kèo, có uống mấy ly rượu. Nói chuyện một hồi đề tài cao thấp, cổ nói em hồi bé gánh lúa mãi nên không cao được, một buổi đi hạc, một buổi đi gánh lúa chăn trâu. Cái mình nói ủa em ở Hàng Ngang hàng Dọc thì lúa và trâu ở đâu. Cái cổ lật đật đính chính là đi về quê ở Bắc Ninh gánh lúa. Cái dượng nói sao hồi chiều nói bố mẹ em cưng không cho đụng móng tay vào việc gì, 12 năm phổ thông em chỉ sáng hạc chiều hạc để thi hạc sinh giỏi quốc gia. Cái cổ lúng túng nói em trốn đấy, em trốn về quê đi gánh lúa, bố mẹ em không biết, nhà trường cũng không biết. Vì em thích gánh lúa với chăn trâu mà ở Hà Nội không có. Em thề, em thề là em có làm việc đó.

Anh Thông thấy không ổn nên mới hỏi lại mấy dữ liệu khác cổ đã nói, thấy trật hết trơn, nên vội trả tiền đi về. Thấy chán. Ra đón taxi, anh Thông đưa tiền trước cho anh taxi, nói chở cổ về khách sạn. Cổ nói em vào Sài Gòn chỉ ở được khách sạn 5 sao khu trung tâm, lần này em ở Rex để shopping ở Thương xá Tax bên cạnh cho tiện. Cái anh Thông chở dượng đi xe máy về, bí mật theo dõi coi cô này xạo tới đâu. Thấy taxi chạy tới Rex, thấy cổ cũng xuống taxi, ngó quanh, rồi đi bộ tới đầu đường đón xe ôm tới đường Bùi Thị Xuân, vô cái khách sạn có 2 sao, sĩ diện nên phải nói dối với mong muốn tột bậc là được tôn trọng. Sĩ diện là cái nhảm nhí của văn hoá chị Hoa hàng xóm mà em Nam phải từ bỏ. Bạn nào hạc tiếng Trung sẽ biết, bie ke qi, bu ke qi, zuo ke...tức đừng khách sáo, đừng khách khí, làm khách. Tiếng Anh tiếng Pháp đâu có, vì họ có sĩ diện khách sáo đâu. Có gì nói đó chứ mắc mớ gì phải đánh lừa người khác và đánh lừa ngay cả bản thân mình. Đói nói đói, no nói no, tôi chỉ vậy-thích thì chơi tiếp, không thì thôi. Cuộc đời đâu phải sân khấu đâu mà người ta lừa nhau dưới lớp mặt nạ hoá trang? Còn bao nhiêu việc phải hạc phải làm thay vì cứ diễn xuất. Rồi có sĩ mãi được không, hay ba bữa là lòi ra? Vì mình đâu có được đào tạo thành diễn viên chuyên nghiệp.

Trở lại vụ án cá kèo hôm trước, anh Thông nói tôi khinh quá à, lấy thể loại này về chắc đổ nợ. Dượng nói thôi, nó là con gái, tội nghiệp, đừng khinh. Hôm sau cổ gọi cả chục cuộc rủ đi cà phê ăn uống nhưng đều không bắt máy. Sẽ không có lần thứ 2 gặp mặt.

Cái hôm sau nữa, cổ nhắn tin trên yahoo là em đã đến Paris rồi, trời lạnh thế. Hai anh đừng nghi ngờ em, hôm đấy em say rượu nên nói linh tinh, giờ em ân hận mãi. Dượng và anh Thông cũng không trả lời. Block nick, xoá số đt luôn.

Ba ngày sau, dượng đưa mấy ông Nhật tham quan chợ Bến Thành, thấy cổ đang ngồi ăn bún riêu với một cô bạn nữa.

Bỗng dưng dượng nói chuyện với mấy ông Nhật mà lộn qua tiếng Pháp

Nous devons aller à l'hôtel. J'ai mal à la tete. Pourquoi dites-vous toujours mensonge?

Giáo trình 100 bài tài liệu học viện WEST POINT P6

Bài 6: Chuyện viết đúng

Có 1 sinh viên năm cuối kia, Tony quen biết với mẹ nó nên cho vô thực tập. Ngồi ngáp dài ngáp vắn nói muốn được giao việc. Nhưng giao lại không làm, giao 3 việc quên 2 việc vì tính kỷ luật không có. Có mặt bữa đực bữa cái. Sáng nào cũng đi trễ. Hỏi thì nói đau bụng với thủng lốp xe, viện n lý do, phần lớn là sáng tạo chứ không có thật. Nên thôi, ở nhà khỏi lên em ơi, ngồi chật chỗ. Rồi mấy tháng nó cũng xong thời gian thực tập, tạm biệt mọi người.

Sáng nay lại lấp ló ngoài cửa. Hỏi đi đâu, nó nói lên hãng nhờ đóng dấu lại vì hôm trước đánh máy sai. Tuần sau ra hội đồng bảo vệ, thầy hướng dẫn chỉ ra điểm sai và đã sửa lại. Bản này là hoàn chỉnh rồi. Perfect rồi

Cái Tony nói đâu đưa tui coi. Thấy cái bìa ghi:

NGHIÊN CỨU MARKETING MIX HÃNG PHƯỢNG TÍM GIAI ĐOẠN 2015-2020

Ủa Phượng Tím Giai là hãng nào vậy em. Nó nói chữ giai là giai đoạn, em ngắt dòng. Lỗi tại mấy ông thầy, ổng không phát hiện lỗi này để em sửa. Trời đất, sao lại đổ thừa cho ổng. Cái mở bên trong coi phần nhận xét của thầy nó. Có mấy dòng mà sai chính tả hết trơn. Câu nào cũng là “câu què câu cụt” mà môn tiếng Việt lớp 6 có dạy. Người ta viết văn chương thì có thể phá cách. Nhưng mình làm khoa hạc thì đâu có cho phép. Làm thầy mà. Có hạc vị hạc hòm thì càng phải kỹ càng, tháp ngà khoa hạc đâu có bước chân của mấy kẻ ngáo ngơ. Thạc sĩ tiến sĩ gì kỳ vậy, trường gì thể loại vầy cũng nhận vô giảng dạy nữa là sao.



Muốn cho nó bài hạc. Cái nói nó em viết cái văn bản xin đóng dấu đi, nếu đúng thì tui sẽ cho thư ký đóng dấu lại. Nó ngồi 4 tiếng, bứt tóc móc mắt, viết 1 cái “ BIÊN BẢN YÊU CẦU ĐÓNG DẤU” như gà bới đất. Nó không phân biệt được các hình thức văn bản như đơn từ, thông báo, biên bản, báo cáo. Cũng không biết "ngày tháng năm, kính thưa kính gửi" ...bên góc phải hay trái. Chữ trân trọng kính chào và chữ ký thì nằm ở đâu cũng hẻm biết. Thích viết hoa thì viết hoa, xuống dòng là xuống. Toàn mệnh đề, chưa đủ 1 câu đã chấm. Dấu 2 chấm thì nhiều vô kể, dù chẳng phải liệt kê gì cả. Chấm than chấm cảm chấm hỏi cũng có. Cái mình hỏi ủa ý em là có biểu lộ cảm xúc hay nghi vấn gì trong cái đơn này hả. Nó gãi đầu cười hí hí.

Nó nói tụi em cái gì cũng cứ mua cái mẫu đơn có sẵn, chỗ chấm chấm chấm thì điền vô, chứ kêu viết thì thua. Tony nói em về nghiên cứu lại đi. Không ai dạy thì tự tìm hiểu, trên mạng cũng có. Bữa sau viết đúng thì lên đây. Trí thức mà, để xã hội nó tôn trọng thì mình phải viết được 1 cái văn bản đơn giản nhất. Nếu không thì gia nhập 72000 kỹ sư cử nhân thạc sĩ đang thất nghiệp ngoài kia.

Sẵn tiện, Tony dặn bạn trẻ đang làm luận ven luận oán, làm ơn dò từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phẩy. Công trình khoa hạc thì phải không có sai sót. Không ai rảnh rỗi mà cứ 3 bữa lại đi đóng dấu 1 lần cho luận ven luận oán của mình. Sau này đi làm, viết cái gì ra cũng phải đọc tới đọc lui thật kỹ. Không thể gửi hợp đồng cho khách hàng rồi đi xin lại về để sửa lỗi chính tả. Ra đường lỡ tông xe cũng phải biết viết cái biên bản chớ, hẻm lẽ chạy vô tiệm mua rồi điền vô cái chấm chấm chấm. Vô thư viện tham khảo tài liệu, nếu thấy đề tài ghi tên mấy công ty như Vinamilk Giai, Hòa Phát Giai, Đồng Tâm Giai…..thì tự động coi dòng ở dưới mà ráp vô cho có nghĩa. Hẻm chừng chữ “ đoạn” rớt qua trang sau.

Nếu bạn làm giáo viên, đừng cho thể loại này ra trường, viết sai chính tả kiểu vậy nên giữ ở lại trường đào tạo thêm, khi nào ổn mới cho ra. Có mấy trường cấp 3 dễ dãi, tú tài của trường này ra viết một đơn xin việc không trôi. Có mấy đại hạc cũng dễ dãi, cử nhân kỹ sư của trường này ra bị người ta xài xể, nói trường gì lạ vậy. Còn bản thân mình làm thầy mà hẻm biết mấy cái ni, thì hạc thêm, tìm hiểu thêm hoặc làm biếng nữa thì nên nghỉ dạy.

Hôm bữa Tony ngồi trên máy bay, mới mở cái tạp chí gì trước mặt ra coi. Thấy ghi

LÀM SAO ĐỂ LUÔN HẤP
DẪN CÁC NHÀ ĐẦU TƯ?

Bèn bỏ xuống. Ôi biên tập viên. Hay thấy trên mạng có tấm bảng tuyên truyền dân số

GIA ĐÌNH CÓ 2 CON VỢ
CHỒNG HẠNH PHÚC

Rồi lễ ký kết với quốc tế ở khách sạn 5 sao nọ, Signing Ceremony ( động từ sign là ký) thì trên băng rôn là Singing Ceremony ( động từ sing là hát). Khách Tây ở khách sạn tình cờ đi qua, nó tưởng là chương trình ven nghệ nên bu vô coi. Ngồi chờ cả buổi chỉ thấy 2 bên ký rồi bắt tay mà hẻm có ai hát, xong tụi nó nhìn nhau, nói sao lạ vậy?

Chuyện ở Thâm Quyến

Từ một làng chài nghèo khó, nhìn sang bên kia là Hồng Công hoa lệ, Đặng Tiểu Bình quyết định hình thành đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Shenzhen). Và ngày nay, Thâm Quyến trở thành trung tâm kinh tế, tài chính và xuất nhập khẩu của cả miền Nam Trung Quốc. Điều ấn tượng nhất ở Thâm Quyến chính là những văn phòng 24h. Ngoài ca từ 8h-6h ban ngày để buôn bán với các nước đông bán cầu, có ca đêm từ 8h tối đến 6h sáng để xuất nhập khẩu với các nước Tây bán cầu như Mỹ, Canada, các nước Mỹ La tinh…



Theo chân anh bạn. 8h tối lái xe đến 1 tòa nhà cao tầng ở trung tâm, bắt đầu công sở. 12h đêm thì nghỉ, ra phố ăn khuya, 1h30 sáng vô lại. Cả mấy trăm văn phòng trong toà nhà đều nhộn nhịp nên không ai nghĩ đây là ban đêm. Các nhà máy giày dép, quần áo, đồ chơi, điện thoại, điện tử...vẫn làm 3 ca, nên giao dịch, email, điện thoại rôm rả. Mùi cà phê thơm nồng, những bước chân đi vội. Gương mặt ai cũng lanh lợi hoạt bát, điện thoại tiếng Hoa tiếng Anh buôn buôn bán bán. Bên Mỹ email qua 1 cái, bên này trả lời, báo giá liền. Nên họ lấy hết các đơn hàng, còn mấy đối thủ cạnh tranh như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Cambodia...thì lúc đó mắc ngủ, ngày hôm sau mới trả lời, rồi tối hôm sau bên Mỹ mới trả lời lại, rồi ngày hôm sau nữa mới nhận được thông tin, nên gút hợp đồng rất khó. Vì để có 1 hợp đồng xuất khẩu, người ta phải trả giá qua lại cả chục cái email và điện thoại. Ở các văn phòng 24h này, nửa đêm vẫn gọi dịch vụ DHL, Fedex tới giao nhận chứng từ, hàng mẫu. Ngân hàng vẫn mở cửa để rút tiền, thanh toán bộ chứng từ. Vẫn bốc dỡ hàng và làm thủ tục hải quan ở cảng. Xe tải và container vẫn chạy rầm rập trên đường. Các kho bãi sáng đèn và nhộn nhịp suốt đêm.

Phần lớn nhân sự ca đêm đều là các bạn trẻ mới ra trường, chưa vướng bận gia đình, đầy nhiệt huyết. Tất nhiên lương bổng cũng cao hơn ca ngày. Thành một cộng đồng làm theo giờ Mỹ trên đất Trung Quốc, mọi người vẫn hẹn nhau gặp gỡ, cà phê lúc 3h sáng để bàn công việc, và rủ nhau đi nhậu sau giờ làm, tức 6h sáng. Có vũ trường mở cửa lúc 10h sáng cho đối tượng này, đông nghịt người. Tới 2h chiều thì đóng cửa vì "khuya" quá rồi, phải về nghỉ để tối lại đi làm.

Trước đây, Thâm Quyến chỉ là một huyện nhỏ của tỉnh Quảng Đông ( huyện Bảo An), giờ trở thành đặc khu kinh tế tách ra. Tuy vậy, tỉnh Quảng Đông vẫn là tỉnh giàu, với thành phố thủ phủ là Quảng Châu, tổng tài sản GDP khoảng 850 tỷ đô la = Việt Nam (140 tỷ đô la ), Thái Lan ( 360 tỷ), Philippines ( 250 tỷ) cộng lại. Trong khi dân số của Quảng Đông chỉ khoảng 90 triệu, bằng Việt Nam. Dân Quảng Đông vô cùng giàu có, đi nước ngoài du lịch học tập như đi chợ. Có tiền nên cơ sở hạ tầng được tái đầu tư, đường sá rộng rãi đẹp đẽ, tàu cao tốc chạy vù vù, tàu điện ngầm mát rượi, thành phố xanh tươi, y tế, giáo dục đều được trợ cấp. Lượng hàng hóa thông quan của cảng Thâm Quyến hàng năm là 22 triệuTEU, gấp 10 lần cảng Sài Gòn, gấp 36 lần cảng Hải Phòng, cảng lớn nhất miền bắc nước ta. Thế mới biết các bạn làm ngoại thương chuyên nghiệp như thế nào. Bên cạnh đó là cảng Hồng Công (cũng khoảng 23 triệu TEU, cảng Quảng Châu 10 triệu TEU, nhưng bãi chứa container C/Y lúc nào cũng trong tình trạng không đủ chỗ chứa container (số liệu năm 2008).

Trong khi đó, ở Đông Nam Á ( trừ Singapore) thanh niên trong độ tuổi lao động ngồi cà phê nhiều hơn ngồi trong nhà máy. Chiều đến thì người người nhà nhà đi nhậu, lượng bia tiêu thụ của các quốc gia này thuộc tốp đầu thế giới. Và ở rất nhiều công sở, hình ảnh nhân viên uể oải, bước đi chậm chạp, tác phong lừ đừ, tụ năm tụ ba tán gẫu hoặc không thì ngồi ngáp đến chảy nước mắt. Hoặc chăm chú chỉ để chơi game, coi tin tức, chat chit, facebook, nhìn vô màn hình máy tính với cặp mắt vô hồn như mắt giả. Nhưng sếp hay khách khứa đến giao dịch thì lập tức cáu giận, vì đã làm tôi thức giấc. Quen không làm việc nên động tác thừa nhiều, xử lý gì cũng chậm.

Vì ít làm, ít việc nên cũng ít tiền, gương mặt ai nấy buồn hiu buồn hắt. Thử quan sát 1 ngày ở một công ty xuất nhập khẩu gỗ ở Thủ Đức, màn hình trước mặt mở ra toàn các trang web liên quan tin tức ca sĩ diễn viên. Một số ôm iphone ipad coi facebook tò mò tọc mạch chuyện riêng tư. Cả chục nhân viên ngồi với vẻ mặt buồn xo, cứ mấy phút thì liếc coi đồng hồ một lần, đến 5h chiều thì vội vã tắt màn hình, đi nhậu, giải phóng năng lượng tích tụ cả ngày bằng cách vung tay chém gió phần phật trên bàn nhậu. Và hôm sau thì đi trễ vì dậy không nổi. Lại vào, ngồi đếm thời gian cho hết ngày.

Và cứ thế, hết tuần, hết tháng, hết năm, hết đời người.

Chuyện ở Bỉ ( Belgium)


Hôm bữa Tony lên Bình Phước để tiếp xúc một nhà vườn nọ. Chủ vườn tên là ông Hai Hùng, có mấy trăm hectare trồng cam quýt, bưởi, thanh long, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, đu đủ, ổi, mận, xoài. Vì trồng theo tiêu chuẩn Global G.A.P cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu, nên thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ông kỹ lắm. Canh tác nông sản ở vùng nhiệt đới ẩm ướt như nước mình sâu bệnh nhiều, nhưng xài thuốc hóa học thì dễ bị tổ chức GAP kiểm tra dư lượng gắt gao. Tụi Nhật tụi châu Âu cũng vậy, nó kiểm mỗi container nhập khẩu, thấy bất cứ hoa quả nào còn tồn dư thuốc BVTV là nó tiêu hủy cả container đó luôn. Ở Việt Nam, nông sản nội địa thì thả lỏng nên muốn xịt cái gì thì xịt, riêng mấy loại xuất khẩu như trà, rau màu trái cây xuất khẩu, thì mới dùng thuốc sinh học dưới áp lực của nhà nhập khẩu nước ngoài. Vì thuốc sinh học hiệu quả chậm, xịt xong, sâu sẽ biếng ăn rồi 3 ngày mà chết vì đói, trong khi thuốc hóa học, xịt 1 phát sâu chết rào rào, bà con thích hơn. Nhưng sâu chết rào rào thì mình ăn vô cũng méo mồm méo miệng, tích tụ trong cơ thể và sinh ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, nếu chưa hết thời gian cách ly ( PHI) mà đã thu hoạch. Ở nhiều nước, người ta bắt buộc sử dụng thuốc BVTV sinh học trên rau củ quả hay khu vực canh tác có xen lẫn nhà dân, vì an toàn cho con người, không ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.



Ông Hai Hùng tình cờ biết hãng Phượng Tím, mới nhờ chi cục khuyến nông liên hệ với Tony để đem mấy loại thuốc sinh học xuống thử nghiệm. Mấy thuốc này sản xuất từ Ấn Độ, Tony mua bản quyền đó về đề kinh doanh ở Việt Nam. Bên Ấn Độ hay lắm, để kể nghe. Hàng năm nó có tổ chức một cái hội chợ công nghệ, ở đó, ngoài hàng hóa, còn có một khu gọi là poster area, để các bạn sinh viên và các nhà khoa học trưng bày ý tưởng. Ví dụ bạn A nghĩ ra sản phẩm thuốc trừ ve chó chiết xuất từ hạt quả na ( mãng cầu). Hạt quả na có tác dụng diệt côn trùng, hồi xưa ông bà mình hay giã ra gội đầu trừ chấy ( chí). Cái bạn A đó xay hạt na nhuyễn ra, chiết xuất lấy độc tố, cô đặc lại pha vô sữa tắm cho chó mèo. Tụi Tây mê lắm, vì sữa tắm chó mèo hiện nay có chứa Cypermethrin, là chất hóa học, dù tỷ lệ nhỏ nhưng cũng không tốt cho chó mèo của họ. Chó mèo của họ sang lắm, có cả hộ chiếu passport để đi du lịch nước ngoài. Mọi sản phẩm cho bản thân họ dùng và cho chó mèo của họ đều phải là sản phẩm hữu cơ và an toàn. Bạn A sẽ viết tóm tắt ý tưởng này trên 1 cái poster, treo ở hội chợ.

Trung tâm nghiên cứu của các hãng lớn mò đến, tới khu treo poster coi, thấy khả thi sẽ ký hợp đồng tài trợ, ví dụ đưa bạn A 50,000 USD để nghiên cứu tiếp. Khi ra thành công thức và đưa vào sản xuất hàng loạt, bạn A đó sẽ được trả tiền bản quyền, ví dụ 1 triệu USD, và cái hãng kia được độc quyền công thức đó trong 20 năm. 20 năm sau thì hết bản quyền gọi hết patent, cái hoạt chất đó sẽ trở thành trí tuệ nhân loại, ai sản xuất cũng được. Lúc này tụi Trung Quốc sẽ sang mua công nghệ sản xuất mấy hoạt chất này, sản xuất với giá rất rẻ, nhưng sản phẩm made in China này sẽ gọi là me-too product, hay generics (sản phẩm đại trà thông dụng nhái, nhưng hợp pháp chứ không phải là ăn cắp bản quyền).

Cái Tony cũng bắt chước mấy hãng lớn mò qua Ấn Độ, tham dự hội chợ công nghệ sinh học Bangalore. Chu cha nó lớn hết biết ( nó ở đây là cái hội chợ). Sinh viên bên Ấn nhiều đứa đã là triệu phú từ lúc ngồi trên ghế nhà trường với các công trình khoa học. Đây là cái hay của bạn mà chúng ta cần bắt chước để khuyến khích sinh viên kỹ thuật. Tony vô gặp con bé kia tên là Gargi. Gargi đang theo học trường nông lâm súc Hyderabad, đen thui, tiếng Anh dân kỹ thuật lụp bụp, Tony nói chuyện mà mướt mồ hôi vì toàn động từ “to quơ”. Nghe Tony học Harvard về, Gargi bèn sanh lòng yêu mến, cố gắng nói giọng Mỹ để Tony có thể nghe được, kiểu water đọc thành quo-đờ. Tony thấy Gargi có bản quyền thuốc BVTV chiết xuất từ lá ổi, là sản phẩm kép, vừa trừ sâu vừa trừ bệnh. Tony thấy hay quá. Gargi nói thôi tao để cho mày giá rẻ, nước tao trồng ổi không nhiều, mày thấy hay thì tao để mày tượng trưng 1 USD coi như làm kỷ niệm. Cái Tony ký hợp đồng mua bản quyền mà nheo mắt nó 1 cái, nó hồn xiêu phách lạc. Nó nói tao đang thấy chán vì trong ngành ai cũng cao to đen hôi, thì bỗng dưng một ngày tạo hóa lại ban cho một con người đẹp lồng lộng như thế này. Nó chỉ cứ tưởng ở Holywood hay Bolywood mới có.

Cái Tony mang về Việt Nam,tổ chức thu mua lá ổi tươi chiết xuất ra thuốc BVTV Guava 007. Bán đắt như tôm tươi. Sâu chết rào rào. Bệnh đạo ôn phấn trắng sương mai gì cũng hết. Lại không có mùi hôi, nên công viên, khuôn viên trường học bệnh viện đường phố gì cũng đặt mua. Sản xuất không kịp thở. Sản phẩm Guava 007 thoang thoảng mùi hoa ổi, nên một số người lấy xịt vào người đi ăn tiệc thay thế nước hoa, ai cũng khen mùi lạ, độc đáo, sang trọng. Ngồi bên cạnh đứa xịt nước thuốc trừ sâu này, nước bọt ai cũng trào ra vì thèm ổi. Các nhân viên bán hàng của hãng Phượng Tím nói tui em đi đại lý nào cũng bị bắt ở lại chơi, ôm tụi em ngửi miết. Ai cũng khen ông chủ hãng đẹp trai thanh tú, bà con nông dân thì cứ nhìn hình Tony in trên chai thuốc rồi cười. Thế mới biết, có lợi thế ngoại hình thì làm cái gì cũng thuận lợi hanh thông…

(thôi bữa sau kể tiếp, nói tự nhiên thèm ổi. Bèn về nhà thay đồ đi Bỉ )

Lòng tin còn một chút

"Tôi kể người nghe chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ đặt trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu"

Cuối cùng thì An Dương Vương rút gươm chém Mỵ Châu, cô con gái yêu của mình khi thần Kim Quy kết tội " giặc ở sau lưng nhà vua đó". Sự thơ ngây cả tin của nàng, để đến nước mất nhà tan, là một bài học đau lòng về niềm tin trong tình yêu, niềm tin giữa con người và con người. Nàng trả giá bằng cái chết, tuy thương tâm nhưng không bất ngờ. Lịch sử thì quy kết tội nàng, nhưng chính An Dương Vương cũng là đồng phạm, nếu ông không nuôi ong tay áo. Chính ông cũng tin Trọng Thuỷ cơ mà. Nhưng ai mà biết được.



Cuộc sống là vậy. That's life.

Báo chí bây giờ nhiều tin tức rất ghê rợn, vượt qua trí tượng tưởng của rất nhiều người. Hiệu trưởng mua dâm nữ sinh, con giết cha, chồng giết vợ,...Nhiều lúc tự hỏi, không biết cái gì đang xảy ra ngoài xã hội hỗn loạn kia? Ngày xưa đâu có thế? Hay ngày xưa vẫn có thế nhưng mình không biết? Nhìn một người, nhiều lúc không biết còn có đáng tin nữa không, bên trong họ đang âm mưu gì với vỏ bọc trong sáng lịch lãm thế kia. Nhưng con người không thể không tin nhau, không tin thì làm sao có thể sống, làm việc. Của tin còn một chút này, dẫu biết thế nhưng lòng vẫn buồn. Man mác.

Cuộc sống là vậy. C'est la vie.

Một quan hệ mới được thiết lập. Một niềm vui, một hy vọng. Ngày qua ngày, đến một lúc nào đó, sự hy vọng bị dập tắt, thành sự thất vọng. Sự phản bội và sụp đổ. Con người, đã không vượt qua được sự cám dỗ của danh vọng, tiền bạc, đã bán đứng người khác. Ánh mắt vẫn ngơ ngác, nàng Mỵ Châu không tin đó là sự thật, vẫn rắc lông ngỗng trên đường. Và con đường đưa đến biển cả, máu nàng hòa trong sóng biển. Ngàn năm, nhắc hoài một trái tim thơ ngây. Một cơ đồ chìm đắm. Một tình yêu trái ngang. Một lòng tin bị bội ước.

Cuộc sống là vậy. Sheng huo shi zhe yang de

Dẫu biết rồi sẽ có sự ăn năn. Nhân rồi quả. Trọng Thủy gieo mình xuống giếng. Kết thúc cuộc đời, trả giá cho sự bội bạc. Người đời không giận anh, nghĩa tử là nghĩa tận, chết là hết, dù lúc sống họ có lầm lỗi thế nào. Trái tim người Việt bao dung là thế, nên mới giữ vững giang sơn sau bao lần ngoại xâm. Nếu người Việt cũng chứa trái tim hận thù như kiểu quân tử trả thù mười năm chưa muộn, thì mãi mãi sẽ chẳng đến đâu. Máu cứ trả bằng máu, tiếp nối mất mát và đau thương. Thôi thì hãy khép lòng mình lại, nhẹ nhàng.

Và ngoài kia nắng lên. Gió thổi nhẹ trên đường. Một ngày mới.

Chuyện Tony ở Ha Vợt

Báo chí mình hay ghi Havard, thiếu chữ Rờ. Nên thôi phiên âm tiếng Việt đi cho dễ, đọc là Ha Vợt nhé, không phải Ha Vớt. Ai nói Ha Vớt, Tony không có hài lòng. Chữ "vợt" nghe nó có tính chất thể thao, kiểu quần vợt, hay vợt cá vợt tôm…, còn “vớt” nghe như đậu vớt, vớt vát, trục vớt. Nghe hẻm hay. Vậy nên ngoài biệt danh Tony Tèo, Tony Phân, có thể nói thêm Tony Ha Vợt.

Chuyện bắt đầu từ trung tuần tháng 8 năm 2007, giáo sư JQ, phó hiệu trưởng trường kinh doanh Harvard Business School ( HBS) có đến Việt Nam. Ông thích thú với Nha Trang một cách đặc biệt (giống Yersin, vĩ nhân hay thích Nha Trang). Tony cũng có đi tắm bể hôm ấy. Thấy Tây đang bơi thì cùng 1 với nhóm trẻ con bu lại rèn luyện tiếng Anh chứ có biết ai là ai mô. Tạt nước, lặn, cút, đắp lâu đài cát, búng tay tôm tép.... với ổng một hồi mới biết ổng là Prof.JQ. Bon chen cuối cùng Tony cũng có 1 cái danh thiếp của ổng. Thế rồi quên béng mất, lúc đó Việt Nam đang sốt mọi thứ, từ đất đến vàng, chứng khoán, làm gì cũng có tiền. Cứ đầu tư vô cái gì, sáng mai giá cũng tăng gấp đôi. Vung tiền ôm hết, Tony trở nên hết sức giàu có. Nghĩ mình đã bước 1 chân vào giới thượng lưu, chuẩn bị mua siêu xe cạnh tranh dzớt Hồ Ngạc Hòa rồi trên tay Cường Đô Loa. Sau đó đâu được hơn năm thì bong bóng xẹp, Tony bị vứt chỏng chơ ra ngoài xã hội, nghèo khổ, rách rưới, tuy gương mặt hãy vẫn còn thanh tú. Điều kỳ lạ là bất chấp suy thoái hay khủng hoảng, gương mặt anh ấy vẫn đẹp 1 cách rạng rỡ. Biệt thự, siêu xe dần dần bán hết, đến quần què áo cụt trong cái nhà trọ cũ kỹ cũng bị bà chủ vứt hết ra đường, đuổi đi, vì nợ tiền nhà mấy tháng. Trong đống đồ vứt đó, rơi ra cái danh thiếp của giáo sư JQ.

(Hình minh họa: một lớp hạc trong HBS)

Một đêm mưa buồn lạnh lẽo, Tony bèn chong đèn lấy ipad gửi meo cho ổng, nói giờ con rảnh quá hà, cho con qua hạc với. Đâu lúc sau ổng trả lời lại, nói ừa, qua hạc đi. Mình nói hẻm có tiền giờ sao thầy. Ổng nói thôi qua hạc miễn phí đi, tiền bạc gì, mày khách sáo quá. Cái mình xách đuýt qua Ha Vợt hạc.

Khi vác mẹt qua bên đó, thì mới thấy chu choa trường này đẹp quá ta. Nên chụp hình thôi là chụp hình, đặng rửa ra đem về tặng cô Tư hột vịt lộn, anh Năm xích lô trong xóm. Tỷ lệ vô hạc trường HBS là cao nhứt trong hệ thống các trường Ha Vợt, khoảng 14%. Bên Y hay Luật khó hơn. Các danh nhân từ cổ chí kim có nhiều, như ông cựu TT Bush, ông Obama, Ban Ki Moon, Tony Buổi Sáng...

Mình có hỏi ủa sao nhận tui vô rồi cấp hạc bổng tàn phần cho tui vậy? Ngoài ngoại hình ra, tui có gì khác xuất sắc chăng? Mấy cô phòng đào tạo nói ai biết, thấy có thư thầy hiệu phó nói nhận mày vô đi, tao tưởng mày bạn của Bạc Qua Qua hay con ông tổng thống cái đảo quốc nào đó chớ. Cuối cùng thì mới biết là 1 ngày có hàng ngàn thư gửi sang xin hạc, nhưng toàn gửi phòng đào tạo hay bộ phận tuyển sinh, chỉ có mỗi mình là gửi cho hiệu phó. Ổng rảnh quá, đọc thư xong reply luôn. Trong thư, thầy nói mày viết sai chính tả hết trơn nhưng tao đoán ý thì hiểu. Viết dễ thương lắm Tony à. Không biết mày ăn gì mà viết dễ thương quá.

Lúc vừa qua, vừa để vali và ngồi xuống ghế, cô bé làm phòng giáo vụ hỏi mày muốn hạc cái gì. Mình nói đâu đưa menu cho tao lựa. Lựa tới lựa lui một hồi mới chọn được chương trình chuyên tu tại chức văn bằng 2. Nói sẵn tiện cho tao hạc luôn tiến sũy nha, vì tao đang lòm cái tiến sũy ở quê nhà nhưng hạc hẻm nổi vì mấy thầy bên đó đang cãi nhau, bữa bắt định lượng, bữa bắt định tính, hệ Liên Xô và hệ Âu Mỹ đối đầu nhau chan chát. "Làm sao có thể tốt cho cả hai?". Chỉ có Ưng Hoàng Phúc mới trả lời được.

Lúc vào lớp, mình chẳng biết nói gì chỉ cười. Vì nghe có hiểu mẹ gì đâu. Lâu lâu đứng lên phát biểu cả lớp cười bò. Rồi bắt đầu mọi người hâm mộ, nói ủa mày dân châu Á sao ăn nói sáng tạo quá vậy, tao thấy tụi châu Á đứa nào cũng rất là rập khuôn (stereotype). Thầy cô cũng bắt đầu hâm mộ, nói thằng này nói chiện nghe vui và dễ thương quá nè. Mỗi lần Tony phát biểu là sinh viên cả lớp im lặng, vì Tony nói là tao phát âm tiếng Anh theo 1 trường phái riêng, và có sở thích hay nuốt chữ, swallow words, nên tụi mày phải tập trung hết sức, tao không nói lại 2 lần như thi Tóp Phô đâu.

Rồi Tony cũng hay dọa nghỉ hạc. Ngày nào cũng mang kẹo dừa xuống phòng hành chính, ép ăn rồi chọc ghẹo mấy chị rồi nói bóng gió xa xôi chuyện nghỉ hạc để trở thành tỷ phú, giống Bill Gate và Mark Zuckerberg, cũng là cựu sinh viên của trường nhưng hẻm có tốt nghiệp được. Nên mấy thầy sợ hãi, bữa nào vào lớp cũng lụm cụm đi điểm danh ( mấy thầy trường HBS già lắm), coi nó còn hạc hay đã nghỉ. Cứ thấy Tony ngồi trong 1 góc khuất đang giũa móng tay thì mới yên tâm giảng dạy. Mấy ổng nói, nếu cho mày nghỉ, thế giới có thể có thêm 1 tỷ phú nữa, nhưng HBS hết vui. Các bạn người Ecuador hay Chile gì đó nói nếu Tony nghỉ hạc thì họ cũng bỏ về nước. Cái thôi, mình bèn hạc tiếp. Mình hay vì mọi người. Bữa nay thầy Michael Porter nói mới biết, cả trường xưa nay có hàng ngàn sinh viên bỏ hạc, nhưng chỉ có 2 tỷ phú, còn nhiêu đi móc bọc nylon hết rầu.

Chu cha, vậy thôi, hạc, hạc.


Giáo trình 100 bài tài liệu học viện WEST POINT P7

Bài 7: Hạc ngoạ ngữ

Bữa nay Dượng nói về chuyện học ngoại ngữ và tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Mấy con dượng lắng nghe nhé, ghi chép vô vì dượng nói như thi tốp-phơ ấy, nói một lần thôi chứ hẻm có nói lại.

Là con gái, phải học ngoại ngữ. Để chi, tăng cơ hội kiếm chồng. Dân số Việt Nam có 90 triệu thì chỉ có 45 triệu đàn ông. Trong khi ngoài kia có 3.5 tỷ đàn ông trên thế giới. Nên xác suất thống kê mà nói, mình có ngoại ngữ, lấy Việt hẻm được thì lấy Tây, nên coi như mình có nhiều lựa chọn hơn. Mấy anh Việt Nam lôm côm mà hắt hủi mình, các bạn hất mặt lên trời cho dượng, nói do you think you are delicious (mày tưởng mày ngon hả) liền. Tụi nó sợ, biết đâu sẽ điều chỉnh lại hành vi, sẽ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Thế giới phẳng rồi, không nên thủ cựu phân biệt Tây Ta. Cứ là người, đàng hoàng tử tế thì lấy, quốc tịch nước nào cũng được.



Là con trai, phải học ngoại ngữ. Để chi, tăng cơ hội kiếm tiền. Ở Việt Nam ít việc thì xách giỏ qua nước khác mần. Tạo hoá sinh ra đàn ông và đàn bà, từ ngàn xưa đã phân công lao động rõ ràng rồi. Trai săn bắn, gái hái lượm. Nó là con gái, nó hái được gì thì hái, nó lượm được gì thì lượm. Còn mình đàn ông đàn ang vai u thịt bắp, thì phải ra rừng sâu, lên núi cao săn bắn đem về nuôi cả nhà. Nên phải học ngoại ngữ điên cuồng vô, để săn bắn quốc tế chứ. Lỡ vợ mình thèm cá hồi, mình phải qua Na Uy săn chứ. Có khi vợ lại thèm cá tuyết, lại phải chạy qua Nhật câu. Hẻm biết ngoại ngữ sao đi được? Mình hẻm đáp ứng được, nó bỏ đi lấy Peter hay Johnson nào đó ráng chịu à.

Mình đàn ông con trai, cơ bắp cuồn cuộn hẻm lẽ cũng đi hái lượm? Đeo cái yếm đỏ và nhởn nhơ dưới mấy gốc thông hái nấm? Còn cô vợ số đo ba vòng 90-60-90 lại đi săn bắn về cho mình ăn. Cô ấy yếu đuối thế sao chiến đấu được với thú dữ ngoài bìa rừng? Còn mình thì đầu đinh đầy sẹo lại ngồi thêu bên cửa sổ, mưa rơi qua song cửa thì ngước mắt lên nhìn, ràn rụa nước mắt. Chờ cô ấy mang đồ ăn về thì ngả vào bờ vai của cô ấy, để được che chở chở che. Giống quỷ hem.

Dượng thấy có ba nước châu Á, họ học tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 12, là Singapore, Philippines và Ấn Độ, nên lao động của họ có lợi thế ghê lắm. Ví dụ ở Philippines, nhiều vùng nông thôn xa xôi, nhiều bạn vì điều kiện khó khăn quá nên bỏ học từ lớp 3. Nhưng học 3 năm tiếng Anh rồi, nên các câu đơn giản như giặt đồ, nấu cơm, lau nhà,..họ đều biết, nên đi xuất khẩu lao động sang Hồng Công và nhiều nước lắm. Kiếm cũng được nhiều tiền từ các nghề như giúp việc, lao công....thu nhập cao hơn hẳn quê nhà. Họ ra nước ngoài làm giáo viên tiếng Anh, ca sĩ, y tá v.v…nên hàng năm, riêng lượng ngoại tệ họ mang về để xây dựng đất nước là 26 tỷ đô la Mỹ, lớn lắm. Dượng thấy tụi nó nói tiếng Anh lưu loát mà ham, giá như mình cũng ham học ngoạ ngữ như vậy, cơ hội việc làm mình sẽ tốt hơn. Chưa kể là làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở nước mình nữa, lương thưởng trung bình cũng cao hơn doanh nghiệp trong nước.

Rùi mình cũng phải đi đây đi đó để mở mang đầu óc, coi người ta học hành làm ăn thế nào. Phải có ngoạ ngữ để tự mình đi, thay vì kè kè theo em thư ký hay phụ thuộc vào phiên dịch như thế hệ trước. Không có chuyện không có khiếu là không học được đâu. Có phương pháp và chịu khó, là học được hết. Có bạn nhanh hơn, có bạn chậm. Mình chậm thì đầu tư thời gian nhiều hơn.

Hồi đó, dượng học tiếng Anh chủ yếu là tự học chứ chưa vô trung tâm nào, đến lúc tốt nghiệp ĐH là vốn từ nhiều lắm, dù nghe nói hẻm được tốt vì hẻm có máy cát sét để nghe băng. Dượng mua tờ Vietnam News và Saigon Times, dịch hết tất cả các bài qua tiếng Việt. Rồi lấy bài tiếng Việt đó dịch lại tiếng Anh, so với bản gốc. Làm miết khi nào gần giống thì thôi. Nên từ mới nó vô trong đầu mình. Sau này lên đọc các trang web của nước ngoài để lấy tiếng Anh chuẩn của họ, rùi cũng làm tưong tự. Riết rồi viết y chang như họ. Vốn từ phong phú, dịch được nhiều câu khó như phong trào nạc hoá đàn lợn, hội thảo đầu bờ, hoà nhập mà không hoà tan , xây dựng nông thôn mới, kè mới kênh mương…

Rồi nghe nói thì mình tập nghe trước. Trước một từ mới mình phải tra nghĩa và tra luôn cách phát âm. Rùi lên youtube, gõ vô các chữ như "Free English lesson" hay chữ gì mình muốn học, ví dụ mình làm ngành may mặc thì gõ vô " English for textile/garment", nó ra cả ngàn bài, từ vựng chuyên ngành tha hồ mà nghe, giọng bản xứ không. Còn nói thì phải có điều kiện, phải làm môi trường nói tiếng Anh thì mới nói tốt được. Còn không phải tham gia các câu lạc bộ nói tiếng Anh hay đến các lớp trong trung tâm mới có điều kiện nói được. Xong cái mình tập thuyết trình, tự trình bày một vấn đề bằng tiếng Anh, một mình trong nhà tắm đi, rồi thu âm lại. Rồi mở ra nghe, đầu tiên mắc cười lắm, nhưng sau đó mình sẽ tự tìm cách phát âm lại các từ mình nói sai. Tự mình sửa là hay nhất.

Đó là kinh nghiệm của dượng. Các bạn khác cũng có cách khác như xem phim nước ngoài, nhưng dượng thì hẻm có xem phim nên chỉ học theo cách trên. Chúc các bạn học tiếng Anh hay các ngoạ ngữ khác lưu loát nghen. Học thiệt giỏi, thi TOEFL IBT 120/120 thì Harvard nó cấp học bổng cho, rồi thành đồng môn với dượng.

Dượng yêu các bạn. I love you all.