Cafe buổi sáng cùng Tony

Tập hợp các câu chuyện thú vị của Tony buổi sáng (TnBS).

Chuyện đi ăn búp phê

Thời sinh viên, có lần Tony được cái Hằng, bạn cùng lớp ĐH rủ đi ăn buffet ở khách sạn Saigon Prince, giờ đổi tên thành Duxton, nằm ở đường Nguyễn Hợ, vì cô ấy được 2 cái phiếu mời. Hồi đó, sang trọng nhứt là đi ăn ở New World (đọc là niêu quơ), sau đó thì Ca Ra Ven rồi Saigon Prince. Lần đầu tiên được đi nên Tony hăm hở lắm, lên chiến lược bài bản. Buổi trưa đã phải nhịn đói. Đi ăn buffet ( đọc là búp-phê theo kiểu tiếng Pháp, chứ không phải Búp Phét theo tiếng Anh đâu nha) là ăn thoải mái nên phải tranh thủ càng nhiều càng tốt.

Đang nằm ngủ trưa nhưng vì cồn cào trong bụng quá và cũng nôn nóng nữa nên ngủ mãi không được. Mới khoảng 2h thì đã dậy tắm rửa kỳ cọ thiệt sạch, tìm bộ đồ vía đẹp nhứt để mặc. Cái quần tây màu xanh dương đậm, cái áo thun màu trắng kem, đóng thùng, mang đôi dép có quai hậu. Mỗi lần co chân lên đạp thì cái ống quần lại lên tuốt trên đầu gối, lòi mắt cá và 1 khúc ổng quyển đầy lông và đầy phèn. Chân quê mà, lúc đó chưa " chân thành phố" như bây giờ.



Đạp tới khách sạn thì cũng đâu khoảng 4h chiều. Gửi xe đạp ở khách sạn lớn sợ nó hổng nhận nên chạy qua trường Ngân hàng gần đó để gửi rồi lội bộ qua, lỡ có ai trong khách sạn hỏi thì giả bộ nói đi taxi. Tới nơi thì cái Hằng cũng đã đợi trước cửa. Rong rủi cố kéo dài thời gian... mãi cũng chỉ mới có 5h, mà trên thiệp mời 6h mới ác. Nên hai đứa bèn đứng trước khách sạn nói chuyện trường chuyện lớp, nhưng bụng đói cồn cào hoa mắt muốn xỉu.

6h kém 15, hai đứa xuất hiện ngay trước nhà hàng. Tụi phục vụ còn chộn rộn dọn đồ vào ra, Tony ngó nghiêng quan sát chút nữa mình sẽ ăn cái gì. Nó bưng tôm ra kìa, nó bưng thịt gà ra kìa, nó bưng bánh mì ra kìa...2 đứa nhìn theo nuốt nước bọt ừng ực.

Đúng 6h, 2 đứa lao vào ngay. Cả nhà hàng chưa có ai vì sớm quá. Ngồi xuống. Lấy khăn phủ đùi. Lấy 2 ly nước lọc, vì chỉ miễn phí nước lọc. Xong cái lon ton chạy ra quầy bày thức ăn. Đầu tiên là Tony lấy quất liền 1 dĩa to gỏi bưởi tôm thịt, cha mẹ ơi, nhìn ngon quá. Cái Hằng mắng Tony, nói ông ngu quá, từ từ chưa gì đã ăn gỏi, no sao ăn cái khác. Thấy mình ngu thật nhưng hổng lẽ tự nhiên đổ dĩa gỏi, nên ráng ăn xong, chạy qua ăn thịt cừu. Lấy 1 miếng to, thịt cừu thì mình chưa ăn bao giờ trong đời, chỉ học Anh văn, cô giáo bảo Lamb là thịt cừu nên lấy ăn cho biết. Ăn vào trong họng thì ôi thôi. Cái mùi gì kinh khủng. Cái Hằng cũng 1 miếng to, cũng muốn ói, nhưng hổng lẽ ói trong khách sạn 5 sao, ráng nuốt, trợn trắng con mắt. Tony thông minh nghĩ ra cách lấy thêm cà chua ăn kèm vào sẽ át đi mùi cừu. Vật vã mãi 2 đứa cũng hết dĩa cừu nướng. Cái Hằng bảo, thôi mình phải ăn cái gì sang trọng thôi, tôm hùm đi. Hai đứa tới quầy tôm hùm, nhìn nhìn nhưng không chắc là có miễn phí hay phải trả thêm tiền, nên không dám lấy, cứ đứng coi miết. Một lúc thì Tony đánh bạo hỏi anh đầu bếp là tụi em ăn cái này có được không anh, ổng trả lời được được, giờ làm món gì? Cái Hằng nhanh nhảu bảo nướng bơ tỏi đi, tụi em thích ăn bơ và tỏi.

Một đứa quất 2 con tôm hùm xong thì thấy nó cũng chả ngon lành gì. Nhìn sang bên cạnh thì thấy mấy ông khách đang ăn hàu và cá hồi sống một cách ngon lành, 2 đứa cũng ra quất cho 2 dĩa to. Trệu trạo và sợ hãi, lần đầu tiên ăn động vật chưa qua chế biến như vầy. Nhưng rồi cũng xong 2 dĩa hàu và cá hồi. Sau đó chuyển qua ăn ốc hương, rồi bánh mì đen, rồi lại tôm sú luộc. Tuyệt nhiên không đụng đến rau và cơm, ngu gì, mấy món đó rẻ òm ngoài chợ..

Đến 10h đêm thì khách về hết, chỉ còn 2 đứa. Hai ly kem to là món ăn cuối cùng, thật sự nuốt không vào nữa, nhưng cái Hằng cứ ép ăn đi chứ uổng, kem nước ngoài này đắt tiền lắm. Thế là ráng. Cái Hằng quất được 1 muỗng thì nói tui lạnh sống lưng rồi ông. Còn Tony ráng được 1 nửa ly thì bùng nhùng ớn óc. Bẽn lẽn đưa 2 cái phiếu ăn miễn phí cho cô phục vụ trong sự ngỡ ngàng của cả nhà hàng rồi lủi thủi ra về.

Tối đó ngủ không được. Nước bọt trong cứ tiết ra hoài. Nó cứ tức anh ách trong bụng. Đứng lên ngồi xuống, trở qua trở lại 1 lúc thì thấy muốn ói, nhưng phải kiềm lại. Ói uổng chết, công trình ăn từ chiều đến giờ, ráng cho nó tiêu được bao nhiêu thì tiêu. Nhưng đến 2h sáng thì chịu không nổi nữa, vào toilet ói sạch trơn, cái bụng lại trống không, lúc đó mới ngủ được.

Giấc ngủ của Tony đêm ấy không sâu, chập chờn và có nhiều tiếc nuối....

Weak Kidney



Rồi cuối cùng Tony cũng chấp nhận cho một đài truyền hình nọ phỏng vấn.

Phóng viên (PV): Xin chào anh Tổng biên tập Tony Trần Văn Tèo. Xin anh Tổng cho biết vì sao gọi là Tony và vì sao có chữ "Buổi Sáng" ở đây ạ?

Tony: Tony là tên tiếng Anh của tôi. Còn "buổi sáng" là vì tôi muốn TBS cạnh tranh với các tờ báo có chữ "morning" trên thế giới như Bangkok Morning hay New York Morning...

PV: Vậy thưa anh, mục đích xây dựng Tony Buổi Sáng (TBS) là gì? Tại sao anh không ra mặt và xây dựng thương hiệu cá nhân, để có thể nổi tiếng và đi diễn thuyết, xuất bản sách đế kiếm tiền và kiếm danh như tiến sĩ A, giáo sư B, nhà văn C, diễn viên E, đạo diễn F....?

Tony: Dạ thưa vì tôi khác. Tôi chỉ muốn chia sẻ cho vui. Lúc nào tôi ớn thì tôi sẽ đóng TBS, chuyển qua mở quán Tony Buổi Trưa cạnh tranh với 1 số tiệm bán thức ăn nhanh. Tôi không phải là cây bút thương mại, bên Mỹ gọi là opinion leader, thường xây dựng 1 hình ảnh tuyệt vời lung linh tài giỏi và đạo đức vô cùng để dân chúng ngưỡng mộ. Thật ra những điều họ nói hay viết đều khéo léo lái đám đông theo hướng có lợi cho họ hay công ty họ đang làm. Ví dụ chê bất động sản để giá rẻ rồi mua hay nói mọi người nên mua cái gì đó rồi bán. Hay chọn 1 chủ đề gây tranh cãi, rồi thêm ý kiến thật sốc vào để mọi người comment càng nhiều càng tốt. Rồi vào showbiz với mục đích được nổi tiếng và kiếm tiền. Tôi bán phân, không làm được chuyện này ( thở dài).

Phóng viên: Nhưng tôi thấy anh cũng nổi tiếng và được yêu mến đấy chứ...

Tony: Vâng đúng vậy. Mặc dù chỉ là 1 tên thương lái, về ngoại hình, tôi hơn hẳn các người mẫu. Về gương mặt, tôi không thua bất cứ diễn viên nào. Về khả năng viết lách, thì như cô thấy đấy, ở châu Á tôi chỉ sau Mạc Ngôn...về độ tuổi.

Phóng viên: Xin anh cho biết vì sao anh lúc nào cũng không khiêm tốn như vậy? Tôi nghĩ một số độc giả không có óc hài hước rất dị ứng và ghét kiểu người như anh...

Tony: Ai ghét, cô chỉ tui coi....

Phóng viên:...( Ú ơ, cứng họng, nghiệp vụ trong trường báo chí chưa dạy phải phản ứng thế nào với đối tượng khùng nhẹ này..)

Tony ( lầm bầm): Ai ghét, tui quánh bầm mắt

PV: Dạ. Câu hỏi cuối, nếu nói ngắn gọn 2-3 chữ về mình thì anh sẽ nói thế nào?

Tony: Giàu và Đẹp

Cô phóng viên vừa nghe vừa hí hoáy ghi chép vào sổ. Thằng quay phim ngồi cười hả hả, nói sao mà 2 đứa em mê anh quá hà. Cười nhiều quá nên sau khi 2 đứa nó đứng lên đi về, thấy something còn đọng lại ở dưới ghế. Cái này ngoài bắc gọi là mót, trong nam gọi là són.

Kết luận: Tuổi trẻ bây giờ thận yếu.

Chuyện ở Rì Zọt

Phú Yên là vùng đất ở Nam Trung Bộ mà Tony thích nhất. Nhất là chiều chiều, khi nắng sắp tắt, ngồi trên mấy phiến đá sát biển ở Gành Đá Dĩa, bạn sẽ thấy đời đẹp như thế là cùng. Những viên đá được mài mòn và xếp hàng bởi bàn tay của tạo hóa, rất giống Causeway ở quận Antrim, Bắc Ai len, di sản thế giới mà dân châu Âu ai cũng muốn 1 lần tới thăm. Phú Yên đẹp, vẻ đẹp ngỡ ngàng của núi và biển đan xen vào nhau. Đặc biệt nhất là núi Thạch Bi, hay còn gọi là núi Đá Bia vì trên đỉnh núi có 1 tảng đá nhìn giống như bia đá. Có người bảo đó là cột mốc ranh giới Đại Việt và Chăm Pa sau khi Lê Thánh Tôn đích thân cầm quân đánh Chiêm Thành. Có người khẳng định đó chính là cột đồng Giao Chỉ với lời nguyền Mã Viện năm xưa, nhưng cũng có người cho là không phải vì thời đó khu vực này vẫn thuộc nước khác không phải Giao Chỉ. Người Chăm gọi đây là núi Cùi Bắp, vì nhìn lên trông giống cùi bắp. Nói chung là nhiều truyền thuyết, nhiều câu chuyện xung quanh ngọn núi nổi tiếng này, nhưng ai ở Phú Yên mà chẳng biết câu ca dao " Chiều chiều mây phủ Đá Bia, Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng" hay là 1 lời trách thân, trách phận nghe thiệt dễ thương trong bài dân ca cùng tên.



Phú Yên đẹp, đẹp vì có núi Nhạn với bài hát tha thiết của Anh Bằng, "anh còn nợ em, chim về núi Nhạn, trời mờ mưa đêm". Phú Yên còn đẹp mỹ miều với dòng sông Ba, hay còn gọi là Đà Rằng, bồi đắp 1 châu thổ phù sa màu mỡ, là vùng trồng lúa lớn nhất trong các tỉnh Nam Trung Bộ, và là thị trường bán phân chủ yếu của Tony ở khu vực miền Trung. Đồ ăn ở đây thì ngon, ngon đến mức khiến Tony khóc 2 lần. Tony vốn dễ thương, cứ thấy đồ ăn ngon là ngồi khóc. 1 lần ăn cơm gà trong 1 hẻm nhỏ ở Tuy Hòa, hồi đó còn là thị xã, chưa lên thành phố. Cơm gạo địa phương lúa mới gặt nấu với nước luộc gà. Miếng thịt gà vàng ươm, cơm dẻo, ngọt ăn kèm hành chua ngâm, ăn no “cành hông” vẫn muốn ăn tiếp. Lần thứ 2 là người bạn đãi món bò phơi 1 nắng, ăn mới muối có giã con kiến gì trên núi. Con kiến này giống con kiến vàng bò trên mấy cây xoài, nhưng cái bụng nó có chứa 1 loại tinh dầu cay, thơm. Rang lên rồi giã với muối, thì nó cay xè như ớt. Mình chấm miếng bò 1 nắng này ăn, thì thôi ...không nói nữa, sợ ướt bàn phím.

Người Nam Trung Bộ, từ Bình Định trở vô với Phan Thiết, có kiểu phát âm nghe là lạ mà dễ thương vô cùng. Nghe riết ghiền luôn. Âm a nghe hơi giống âm e, âm ao thì hơi giống âm eo, còn âm an thì giống âm en kiểu Nam Bộ. Ở bên này là Quảng Ngãi, đang là Cô Coa Cô Loa thì qua bên kia Bình Định, biến thành Cô Ce Cô Le. Một khi bị bất ngờ, họ hay nói “ trầu quâu” có nghĩa là “ trời ơi”. Dân vùng quê thì phát âm nặng hơn dân phố. Nhưng ai ai cũng ăn nói thiệt thà chất phác, rất rất dễ thương.

Sáng nào Tony cũng dậy thiệt sớm đi dạo vòng vòng gần khách sạn. Thấy các bà các mẹ da đen thui vì rám nắng, quảy gánh bún cá đi tới chỗ dọn hàng cũng ngay trên lề đường, thường lựa 1 bóng râm nào đó ngồi cho chút trưa đỡ nắng, hàm răng cười trắng bóng, hỏi bún cé hông em thì Tony quất luôn 3 tô. Và ăn xong cứ ngồi nhìn các bà hoài, nhìn những gương mặt hồn hậu dưới cái nón lá trắng, thấy thích, thấy thương. Hay mấy anh xe ôm mà ngoài đó gọi là xe thồ cũng vậy, nhiệt tình đến độ lỡ ai dừng xe lại hỏi đường, không biết cũng ú ớ chỉ cho bằng được. Nên nếu hỏi trúng ai mà lao ra đường, đứng vung tay chỉ trỏ có vẻ chắc chắn ghê lắm thì đi theo, còn thấy ai mà ú ớ suy nghĩ 1 lúc rồi chỉ, thì nên hỏi thêm 1 anh xe thồ nữa nha, có khi anh mới này sẽ chỉ đi ngược lại. Bữa đầu tiên, mới sáng sớm bạn Tony tới khách sạn mình đang ở rủ đi cà phê sáng, cô tiếp tân gọi lên phòng " anh ơi, anh có bẹn tới tìm nè. Ảnh nói rủ anh đi uống trè đẹo". Mình nghe 1 phút thì hiểu là “ trà đạo”, liền xỏ quần dài lao xuống cầu thang rồi vun vút đi “trè đẹo” với đám bẹn dở thương chịu không nẩu.

Nước mình nó dài mà ốm nhách, từ vùng này qua vùng khác, thời xa xưa núi sông nó cách nó ngăn nên giao thông trắc trở, các vùng ít giao lưu với nhau, dân trong vùng tự nói với nhau rồi phát âm nó chệch đi ít nhiều, thành thổ ngữ hay phương ngữ. Nhưng nghe dân vùng nào nói thấy cũng đáng yêu. Nắm nguyên tắc phát âm 1 lúc là nghe hiểu hết, càng nghe càng thấy thú vị, càng thấy càng thương người Việt mình.

À trở lại vụ ở Phú Yên, Tony có chị bạn người Hà Nội, vào Phú Yên mở rì sọt ( resort) ven biển, ngày khai trương thôi tưng bừng khách khứa. Chị ấy muốn biết ơn các anh công nhân địa phương đã vất vả trong cả 2 năm trời trên công trường xây dựng, nên bữa khánh thành mới mời 1 anh lên phát biểu cảm nghĩ. Anh này phát biểu xong, cả rì sọt lăn ra cười, còn mấy quan khách ở Hà Nội vào hay Sài Gòn ra thì tái mặt. Biết ảnh nói sao hông, “chúc chị và công ty mình, khai trương rì sọt, làm ăn tấn tài tấn lộc, mã đéo thành công”!

Trầu quâu chắc chết !

Một sắc hoa ti gôn…

Năm 18 tuổi, Tony có đi gặp 1 ông cậu trước khi lên đường vô Sài Gòn. Ổng dặn, vô đó nếu ở nhà trọ hay ký túc xá, phải tuyệt đối không được ở chung với mấy cậu ấm cô chiêu. Vì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Tony hẻm tin, nóigì ghê vậy cậu.

Vô SG, lên sinh hoạt NVH thanh niên, quen với nhiều bạn sinh viên đến từ các tỉnh. Tony qua ở chung với họ thay vì trọ chung với đồng hương, chỉ vì muốn khám phá các văn hóa các vùng miền khác nhau. Có lần cùng nhau thuê nguyên căn nhà ở đường Trần Văn Đang, trong đó có K, dân Đà Nẵng, hạc Bách Khoa. K là cậu ấm chính hiệu vì lúc ở quê, bố mẹ cậu ấy chưa cho K rờ vô cái gì trong nhà, cứ ngồi trong phòng trên lầu, tới giờ ăn thì xuống. K làm biếng kinh khủng, 1 cái áo đi về mồ hôi ướt đẫm chứ cũng treo cho khô, rồi mai mặc tiếp. Quần lót quần đùi thì góc nào cũng có, nhà tắm cũng có, bếp cũng có. Mền mùng chiếu gối thì chưa thấy giặt bao giờ, ai thấy hôi quá thì giặt giùm. Ăn thì toàn cơm bụi, anh em hùn tiền nấu thì K nói không, vì phải bị phân công nấu 1 bữa. Nên tới giờ ăn cơm, mọi người quây quần lại là K xách xe chạy đi.



Ba mẹ K viết thư gửi vô thôi là gửi. K chẳng trả lời bao giờ, nói làm biếng viết lại. Tắm cũng làm biếng. Đánh răng cũng làm biếng. Người hôi rình và răng đầy bựa mảng bám thức ăn. Cứ ôm cái truyện tranh ngồi miết, tóc dài rũ rượi, vừa đọc vừa nặn mụn, máu me đầy tay, rồi bôi lên tường, bôi vào quần áo. Sau đó thì bố mẹ nó mua cái máy tính gửi vô nên chơi game suốt. K nói ở ngoài quê tau chưa biết nồi cơm điện dùng thế nào hay trong tủ lạnh có cái gì trong đó. Cứ ai dọn ra thì ăn. 100% việc nhà, ba mẹ tau giành làm hết. Mỗi lần trong nhà trọ có tiệc tùng, kêu rửa rau là K không phân biệt được rau thơm và rau muống cái nào ăn sống cái nào phải luộc. Nhờ nấu canh thì nó đổ 1 nồi nước ngập tràn, nấu sôi cũng mất cả tiếng, xong phải đổ bỏ bớt hết 2/3. Làm cái gì cũng vụng về lúng túng, mê chơi game quên uống nước, có lần bị sạn thận vì làm biếng đi tiểu. Bóng đèn hư không biết sửa mặc dù hạc kỹ sư.

Hậu quả của thói cậu ấm này là tính ngáo ngơ bất cẩn. Đi ra khỏi phòng là chưa bao giờ tắt điện tắt quạt hay đóng cửa. Mấy anh lớn tuổi trong phòng có la, nói phải tắt các thiết bị khi ra khỏi nhà chứ, một là tốn tiền điện, hai là cháy nổ bất cứ lúc nào xảy ra. K dạ rồi quên, cứ như tính bất cẩn có trong máu. Tony nhớ lời ông cậu dặn, sợ hãi, nên dọn đi chỗ khác. Đâu 1 tuần sau thì nhà trọ của nó cháy. Tại K ủi đồ vì đi ăn tiệc với bạn gái. Ủi trên cái mền ( chăn), đang ủi nửa chừng thì điện cúp. K quên rút dây điện ra khỏi ổ cắm, để luôn trên cái mền rồi vọt đi cho kịp. Đâu tiếng sau, có điện lại. Nhà lúc đó khóa cửa đi vắng hết nên cháy bùng lên, rồi lan sang nhà bên cạnh. Nhà bên có 1 bà già chạy không kịp nên chết cháy.

Ba mẹ K nghe tin, bay vô. Trách gia đình bà già quá trời. Nói có cháy thì phải chạy đi chứ ngồi trong đó chi cho chết. Rồi gia đình bà già có bãi nại sao đó, nên K mới thoát tội. Rùi ba mẹ nó vay mượn tùm lum mua cho cái nhà ở riêng để tránh phiền người khác. K tiến hành tán tỉnh 1 cô bạn cùng trường, xấu hơn Thị Nở, nói chẳng thương yêu gì cái con này nhưng được cái biết hầu hạ tau nên tau giả bộ lúc nào cũng “rằng anh yêu em- ố ồ ồ ố ô”. Thế là con bé đó điên cuồng phục vụ, qua ở chung luôn, giặt đồ cơm bưng nước rót, hầu hạ tắm rửa K như nô lệ. Vừa ra trường thì K đuổi ra con bé này ra khỏi nhà luôn. K nói sao tau chả yêu ai mày ạ, coi phim buồn hay kịch buồn không bao giờ khóc. Không có lòng nhân ái, không biết vì sao phải thương người thương động vật yêu thiên nhiên cây cỏ.

K hạc 6 năm mới xong cái bằng kỹ sư, xin việc miết hẻm được. Ba mẹ K lúc đó về hưu nên hết tiền gửi vô. K phải đi làm bảo vệ cho một công ty, nhưng ngáp lên ngáp xuống. Rùi một bữa nói nhục, đòi nghỉ, vì thằng bạn cùng lớp giờ làm trưởng phòng, tao làm bảo vệ, không chịu được. Tony nói tại mày cả, lúc người ta hạc ngoại ngữ như điên, đọc sách như điên, giao lưu câu lạc bộ này câu lạc bộ kia, làm dự án khoa hạc này công trình nghiên cứu kia, tham dự hội thảo này hội thảo kia…thì mày lang thang quán cà phê, đánh bi-da, ôm truyện tranh hay chơi game. Ra trường, người ta tham dự phỏng vấn tập đoàn này tập đoàn nọ, tham gia hạc bổng này hạc bổng kia còn mày thì cứ chờ ba mẹ coi xin việc gửi gắm. Giờ trách gì ai. Nó đi phỏng vấn không ai nhận vì nói 1 câu thì không đầy đủ chủ ngữ vị ngữ, cứ trống không. Không dạ không thưa. Đó là đặc trưng dễ nhận ra nhất của thể loại này. Không bao giờ đọc sách nên đầu óc nông cạn, có người nào giỏi giang mà không đọc sách đâu, họ đọc nhiều và rất nhiều nên mới hiểu được những thứ phức tạp, mới làm lãnh đạo được chớ. Đầu óc giản đơn thì lao động giản đơn. Cái nó nói mệt, kêu mẹ vô bán nhà về quê.

Rồi mấy năm sau, 1 lần đi Đà Nẵng, Tony ghé thăm. Ba mẹ K lúc đó già yếu nhưng vẫn đi xin việc cho nó. Cứ dắt đến chỗ này chỗ kia, K đứng ngoài, ông hoặc bà sẽ đi vô thương lượng về lương bổng, điều kiện làm việc. K lẽo đẽo theo như các bé mầm non. Mẹ K nói bác phải vào hỏi cho ra lẽ, chứ lỡ môi trường đó không phù hợp. Bác cũng không muốn ai nói nặng con bác. Nên tối về là ông bà vặn vẹo chuyện cơ quan, bắt nó kể lại hết chuyện gì xảy ra trong ngày. K kể lại rồi hôm sau ông bà sẽ đến nói chuyện phải quấy. Bác ghét cái kiểu đối xử với người làm như thế, không làm được thì bác lấy lương hưu nuôi nó, rau cháo qua ngày.

Bữa ghé thăm, mới hay nó còn 2 đứa em gái nữa, đều là tiểu thư lá ngọc cành vàng, trạc trạc 30 tuổi. Lúc Tony sang thì thấy ông cha đang dọn dẹp lau nhà, rửa xe máy, bà mẹ nấu ăn, còn 3 anh em nó thì đứa ngồi coi laptop, đưa chơi game trên di động, đứa đang dũa móng tay, chân gác lên tường. Rồi ông than bà thở, đấm lưng nói mỏi, cả ngày từ mờ mờ sáng đã phải giặt giũ quần áo, nấu cơm, rồi lau chùi dọn dẹp 3 cái phòng ngủ, 2 bác kiệt sức con ạ. Rút kinh nghiệm, em nó, bác không cho vô Sài Gòn, hạc ngoài ni cũng được. Hạc cho lắm rồi cũng thất nghiệp ngồi đó…

Sau đó, K có vợ. Lấy 1 cô kia lớn hơn K mấy tuổi, buôn bán bất động sản rất là giàu có. Cô này cả tuổi trẻ lo làm quá nên cứng tuổi quá rồi mới nhớ phải lấy chồng, bèn kiếm đại 1 XY về cho có người coi nhà coi cửa, có đàn ông trong nhà đêm hôm đỡ sợ. Hàng tháng, cô vợ đưa tiền cà phê nhậu nhẹt, hết tiền thì K ngửa tay xin. K đi làm hành chính văn thư ở công ty thủy sản quen biết với cô vợ, sáng vác ô đi tối vác về, lương không đủ tiền xăng. Vì không độc lập tài chính nên không độc lập được suy nghĩ, cô vợ bắt làm cái gì thì làm theo cái đó, cấm cãi, cãi thì cắt tiền. Nên K sống thân dây leo tầm gửi, còn cô vợ thành cây tùng cây bách. Ra đường gặp kẻ xấu đòi quánh thì nó chạy về méc vợ liền, cô vợ lao ra, gồng đôi tay lực sĩ đập phát bọn xấu chết tươi.

K là hậu quả 1 lối giáo dục không cho lao động chân tay, đặc biệt là các quý tử. Ở Việt Nam, tuyển lao động nữ dễ hơn lao động nam, từ lao động phổ thông đến lao động trí óc. Tony phỏng vấn 10 bạn nữ có thể nhận được 9 bạn vô làm, còn nam thì ngược lại, 10 đứa hết 5-6 đứa ngáo ngơ do cha mẹ không cho làm việc nhà, hình thành thói quen lười biếng và thụ động. Mọi thứ đều có người cung cấp sẵn nên hẻm phải suy nghĩ lo toan gì, vì ít động nên bề mặt não phẳng lì, không có nếp gấp, nói 3 câu thì hết 2 câu vô nghĩa. Toàn hỏi bây chừ em phải làm sao, làm sao và làm sao…

Tạm biệt K. và Đà Nẵng, trên máy bay bay về Sài Gòn, bèn cám cảnh mà làm thơ

“Em hãy là bờ vai vững chãi,
để anh nương tựa vào.
Em hãy là cây tùng cây bách,
để anh bò anh leo,

Anh như dây ti-gôn.
Cứ sáng sáng anh sẽ nở hoa cho em coi,
Nhưng xin đừng ngắt,
Tan nát đời hoa
Vì anh mỏng manh,
Vì anh yếu đuối….”

Con nuôi

Tony có cái bệnh tham phú phụ bần và sĩ diện. Thấy ai giàu có hay quyền lực là bu vô chơi.Tụi nó đuổi cũng mon men ra xa 1 hồi thì bu lại, cười giả lả, xin chơi cho bằng được. Còn mấy đứa nghèo hay hạc dở là gạt ra, quánh đập không thương tiếc. Và cầu tiến kiểu cơm gạo. Ví dụ hạc chủ yếu là ở trường A, sau đó hạc thêm ở trường B mà nghĩ là trường B ngon hơn, thì sẽ ghi trên facebook hay sơ yếu lý lịch là em tốt nghiệp trường B, dù trường B mình chỉ tham gia 1 khóa học lấy cái đíp lôm ma ( diploma) hay chỉ là cái xơ tí phi kệt ( certificate). Mà cũng không biết phiên âm này đúng không nữa, bà cô dạy Anh văn lớp 7 đọc là xơ tí phi két, lên lớp 10 ông thầy nói sai bắt đọc là xơ tí phi cay, lên đại hạc bà cô người Huế kêu là sờ tí phi kệt, cổ nói mấy đứa yên tâm đi, phạt âm theo cô là đụng. Cô tốt nghiệp Cô le đờ Đông Ba, trường Tây.

Xã hội giờ nó vậy, xếp loại người như xếp loại tôm đông lạnh xuất khẩu. Nói thằng này đại hạc hơn đứa này cao đẳng. Đứa này cao đẳng hơn đứa kia chỉ mới xong lớp 12. Ngay cả đại hạc với nhau cũng chia tốp trên tốp dưới, tốt nghiệp trường tốp trên này chắc chắn là có trí tuệ hơn đứa hạc trường tốp dưới kia. Nhưng thang đo xếp loại này là gì, chủ yếu do dăm bài toán lý hóa sinh nhảm nhí trong 2 ngày thi cử. Hạc hành là cả quá trình chứ sao kiểm tra có 2 bữa mà biết nó giỏi hay dở? Lỡ bữa thi đó nó bị bệnh thì sao, cơ thể đầu óc sẽ không minh mẫn nên không làm bài được, bị trượt, tự nhiên bị quánh xuống tôm loại 2, không xuất khẩu được là sao? Hay bữa đó nó không hiểu, không làm được mấy bài toán đố đó nhưng sau này nó tự hạc, nó vẫn hiểu biết và làm được nhiều việc, vẫn thành đạt như thường.



Chúng ta nhiều lúc nhìn ngó chuyện trình độ hạc vấn quá mức. Thật ra trình độ hạc vấn nó không liên quan gì đến trình độ văn hóa và ngược lại. Trong khi, con người đối xử với nhau đâu phải là phản ứng trung hòa mà là nhân chính. Cái chỉ số thông minh IQ không là gì so với cái EQ, tức chỉ số cảm xúc, vì con người với con người sống, làm việc với nhau không phải cứ rõ ràng 2 cộng 2 bằng 4, càng không phải bất cứ cái gì "made in Japan" thì tốt hơn "Made in China", cứ không phải tốt nghiệp trường B thì là đứa tử tế...

Ngoài ghi cho được trình độ hạc vấn để tăng danh, Tony Tèo cũng ham quan hệ ghê lắm. Suốt ngày khăn gói đi tìm cha nuôi, mẹ nuôi. Mốt bây giờ nó thế. Người nổi tiếng phải có ai đó nuôi chứ tự mình lớn lên không được. Phải lên báo bữa chụp với cha nuôi tỷ phú X trên thảm đỏ, bữa thì ăn trưa với mẹ nuôi triệu phú Y, bữa thì đi mua sắm với anh nuôi, em nuôi, chị nuôi, thím nuôi, mợ nuôi, cậu nuôi, bác nuôi, ông nuôi, bà nuôi. Trừ "anh nuôi" thì vào doanh trại bộ đội tìm là có, các nuôi khác phải săn lùng. Vất vả lắm. Với lợi thế các sinh ngữ lưu loát của mình, Tony đã thực hiện thành công chiến dịch săn nuôi mấy năm nay, hiện đã sưu tầm được 1 ba nuôi người Hàn Quốc, một chị nuôi người Hồng Công, 1 em nuôi người Pháp. Hiện còn thiếu 1 mẹ nuôi. Mà phải nổi tiếng, triệu phú hay gì gì đó chứ không thể mẹ nuôi là bà Natapong nào đó xắn quần ngồi xắt chuối nấu cám heo ở Cambodia được, dù bà ấy có dễ thương và yêu thương mình đến đâu đi nữa. Ngu à.

Hổm rày Tony tham dự triển lãm du thuyền ở Dubai, chủ yếu để tìm mẹ nuôi, chứ tiền đâu mua, ở chung cư có du thuyền làm gì. Chu cha cái hội chợ nó lớn. Tây Tàu gì cũng toàn người giàu có, ăn vận sang trọng, nước hoa đắt tiền. Lọt thỏm trong đó có Tony Tèo, dáng vẻ liêu xiêu, trên tay cầm hộp danh thiếp ( card visit). Gặp bà Tây nào cũng nhào tới "how are you" rồi khen đẹp, khen trẻ, cười nói huyên thuyên. Thấy bà châu Á nào thì cũng lao tới gập đầu cung kính "nỉ hào ma" rồi lập tức "xua hán dụy". Nhưng 2 ngày rồi mà vẫn không đề cập được với bất cứ bà nào chuyện " you want to become my foster mother or not ( dịch: bà muốn làm mẹ nuôi của tôi không), vì bà nào cũng nói 2 câu với mình là đứng dậy bỏ đi. Hẻm biết sao...

Sáng nay từ Marriott Harbour Hotel, Tony lại y phục lộng lẫy taxi ra Dubai International Marine Club, tiếp tục tìm mẹ nuôi. Dáo dác lên xuống, gặp ai cũng cười, cũng nhào tới bắt chuyện, vì sắp về rồi, hết tiền ăn ở khách sạn 5 sao này rồi mà mục đích vẫn chưa đạt được. Vừa gặp 1 bà người Pháp đang ngồi cà phê ở cửa ra vào trung tâm hội chợ, mình chưa kịp "bonjour" thì bà đứng lên nói ngay là có phải mày muốn tìm mẹ nuôi không. Mình mừng rỡ gật đầu, nói "quy quy" liền, ủa sao bà biết hay vậy. Bà nói nhìn cái mặt hớt hơ hớt hải là biết, sáng giờ mày là đứa châu Á thứ 4 tới ép tao thành mẹ nuôi nè.

Bà nói bà từng rất giàu có nhưng giờ phá sản rồi, nợ nần chồng chất, bà đến đây để ký bán cái du thuyền bị ngân hàng tịch biên và cũng có ý tìm con nuôi.

Lật đật đứng dậy bỏ đi liền, a lê liền. Tiền đâu nuôi bả.

Kiệt sức ở khách sạn 5 sao

Nó được đối tác mời sang nước ngoài vì phụ trách mua hàng cho công ty. Tới nơi, mắt nó choáng ngợp bởi sự vĩ đại của sân bay nước ngoài, đang nhìn cho đã mắt thì đối tác đã bắt nó lên xe, đưa về khách sạn.

Mèn ơi, sao cái phòng Deluxe của khách sạn nó đẹp đến thế. Cả đêm nó không ngủ được, vì ngủ thì tiếc không thưởng thức được không gian 5 sao. Thế là nó quyết định thức trắng. Vô toilet bật nước nóng đầy bồn rồi tắm đi tắm lại. Rồi ngâm chân. Rồi thỏa thuê xức dầu tắm, xà bông loại thượng hạng trên người. Nó nhìn vô gương, cười cười, thấy đẹp trai quá xá.



Nó lấy bộ áo khoác bằng chất liệu giống khăn tắm quấn quanh người, thắt cái dây nịt vào và đi qua đi lại. Lại vào toilet soi gương. Nó thấy mình không là Trần Văn Tèo nữa mà đã là 1 một ông hoàng Ả rập. Nó nằm lên giường, chao ôi sao gối nhiều đến thế. Nó trườn qua lăn lại, cười hi hí một mình.

2h sáng, nó quyết định mở cửa đi ra ngoài để thiên hạ thấy sự sang trọng của mình. Nó đi lang thang ra hồ bơi, xuống dưới sảnh lớn và định bụng đi ra ngòai đường phố. Ai cũng nhìn nó ngỡ ngàng, nó cảm thấy hết sức tự tin.

Sáng nào cũng vậy, KS mang tặng nó dĩa trái cây và 1 giỏ hoa với lời chúc 1 ngày tốt đẹp. Nó chỉ dùng 2 ngón tay, nhón lấy miếng dưa hấu trước mặt thằng bồi phòng đúng theo kiểu quý tộc Pháp nó thấy một lần trên HBO. Đưa lên chính xác ngay bên trái miệng, khoan thai cắn nhẹ nhàng. Nó thấy quý tộc quá sức tưởng tượng.

Một tuần sau về nước. Mắt nó sâu hoắm và hốc hác. Cả cơ quan ai cũng lo lắng vì tưởng nó làm việc quá sức trong chuyến công cán này. Đối tác càng lo hơn nữa. Vì lúc trả phòng, đối tác nghe tụi khách sạn báo là khách của ông hình như bị tâm thần hay mộng du gì đó, mặc đồ ngủ đi lang thang suốt đêm.

Riêng nó thì khoái lắm, sau lần ấy, gặp ai nó cũng kể, 3 ngày 3 đêm, câu chuyện khách sạn 5 sao vẫn chưa hết.

Hùn hạp làm ăn

Người ta thường nói, người Việt hùn hạp làm ăn chung, thể nào cũng không bền. Điều này khác hẳn với người Hoa, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và cả người Thái, người châu Âu, người Ấn Độ. Có cô bạn làm ở công ty chuyên dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp, cô nói các công ty mà ghép 3 chữ như ABC, tức 3 anh A,B,C hùn vốn thành lập, khoảng 10 công ty thì sau 10 năm chỉ còn 1. Tức 90% giải thể, trong đó có thể do kinh doanh tệ quá, và cũng có thể do công ty ăn nên làm ra quá. Cả 2 đều phải giải tán.

Không ai biết vì sao. Theo Tony, có lẽ khi làm ăn chung, khó khăn thì không nói gì, thậm chí là rất tốt, hữu hảo. Nhưng khi ăn nên làm ra, ai cũng muốn giành phần hơn, ai cũng nghĩ công lao mình nhiều hơn, nhưng lại chia phần bằng nhau. Tony có anh bạn, học chung lớp cao học. Anh lớn tuổi hơn, học cao hiểu rộng, Tony xem như là đại ca. Sau khi rời tập đoàn xây dựng của Nhật với kinh nghiệm về tư vấn xây các tòa cao ốc, anh mở công ty riêng với 1 anh bạn thân. Lúc khai trương công ty, thấy anh bá vai ôm cổ với anh cổ đông này và nói "đây là ông anh của anh, coi như anh em ruột, sống chết có nhau, tụi anh tin tưởng nhau 100%, sẵn sàng hy sinh cho nhau". Nói rồi nâng ly côm cốp, bia rượu phừng phừng, nom có vẻ yêu nhau tha thiết. Những tưởng lúc đó ai mà nhào tới đánh ông cổ đông này, anh có thể rút gươm ra chiến đấu và có thể tử vì bằng hữu.


Rồi công ty đến nay được 3 -4 năm, làm rất tốt. Năm ngoái gặp, anh trề môi khi nói về cái anh cổ đông đó "Nó có làm gì đâu, trong khi tao làm chết bỏ luôn, cuối năm chia tiền bằng nhau. Mày thấy có điên không, có đúng không". Tony hỏi lại thế lúc đầu góp vốn thì sao, có ràng buộc điều lệ thế nào. Ảnh nói là lúc đó nó có tiền, tao có nghề, nên mới hùn lại làm. 50/50. Chỉ ghi trong bản điều lệ vậy thôi chứ mấy vấn đề ăn chia lợi tức, chi phí này nọ…không có nói, chưa làm ăn mà đã bàn bạc mấy cái đó thấy kỳ lắm. Nó vẫn cứ đi làm việc của nó, vẫn có lương ngon lành, trong khi tao cày thấy mẹ'. Anh có vẻ tức tối lắm. Tony hỏi vậy giờ sao, ảnh nói tao sẽ hất nó ra khỏi công ty, yêu cầu nó rút vốn. Công sức là của tao cả.

Hôm nọ tình cờ gặp rồi kéo vào quán nhậu, anh nói "Tao đang điên tiết. Nó không chịu rút. Nó thấy đang ngon ăn mà. Rồi cũng sẽ phải rút thôi. Tao sẽ làm cho công ty này thua lỗ, thế nào nó cũng rút thôi mày ạ". Anh nói "nó ngu lắm, có biết gì đâu. Thế là tao chỉ đạo kế toán tăng chi phí. Vợ con tao đi chơi cũng ghi vào chi phí công tác, tao cất nhà thì hạch toán vào xây chi nhánh, đi Đà Lạt tao cũng đi máy bay, rồi bắt tài xế chạy lên để chở tao đi vòng vòng, rồi tao bay về, tài xế xách xe không chạy về Sài Gòn. Tao suốt ngày tiếp khách. Năm nay lỗ to mày ạ, mày thấy tao có thông minh không?" . Nói rồi anh cười đắc thắng, gương mặt toát lên vẻ lanh lợi của 1 chủ tịch hiệp hội doanh nhân ngành Y quận X.

Đi trên đường về, Tony nghĩ thầm. Thông minh thật sao. Sao 1 người mình từng ngưỡng mộ, từng rao giảng bao điều hay cho mình lại có suy nghĩ khôn như thế? Giữa 2 người khôn, có thể hợp tác làm ăn với nhau được không. Thế rồi say quá, ngủ li bì, chẳng suy nghĩ được nhiều, cứ thế thời gian trôi đi. Hôm nay anh gọi điện rủ mình đi hội thảo, anh nói, tao làm diễn giả mày ạ, mày đi đi cho vui. Hỏi đề tài gì anh, anh nói hội thảo về tính Liên kết để tăng sức mạnh cho các doanh nghiệp Việt.

May mà có em....

Rồi Tony lại đi Hà Giang một lần nữa. Không hiểu sao trong giấc mơ, thỉnh thoảng vẫn thấy bát ngát đồi núi của miền đất này. Đứng trước sự bao la của thiên nhiên, một bên là những đỉnh núi vời vợi và một bên là vực sâu thăm thẳm, Tony lòng mình thấy thanh thản vô cùng. Và nhớ lắm những con đèo với các cua tay áo, thử thách cảm giác mạnh của những ai dám phiêu lưu. Và mùa lúa chín, vàng rực những ngọn đồi. Dòng sông Nho Quế uốn quanh, đẹp như tranh vẽ.

Đợt trước đi khu phía đông, gồm cao nguyên Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, đợt này Tony đi phía tây, giáp với Lào Cai, gồm Hoàng Su Phì, Xín Mần. Tặng quần áo ấm và bánh kẹo, lì xì năm mới cho các em người dân tộc, coi như việc thiện nguyện đầu năm. Hà Giang, với mình, là vùng đất đẹp nhất và có nhiều cảm xúc nhất ở Việt Nam. Cứ mỗi lần nhớ về Hà Giang, muốn viết về vùng đất ấy, thì ngôn ngữ lại trở nên bất lực. Chỉ biết nói rằng, hãy một lần trong đời, bạn đi Hà Giang đi, bạn sẽ thấy không hối tiếc bao giờ.


Và các phiên chợ vùng cao, người dân tộc với mớ rau rừng trên tay, xuống chợ bán được 2000 đồng và tạt qua húp bát thắng cố và 1 ly rượu ngô, thế là xong 1 buổi chợ. Chưa bao giờ, cuộc sống và quan niệm hạnh phúc đơn giản như thế. Và hàng ngàn hàng vạn con người như thế, bình yên ngàn đời dưới những gốc thông, những nương ngô, những ruộng bậc thang xanh mướt.

Vừa về tới xuôi, xe vừa ngừng, gần 20 bác xe ôm lẫn taxi lao đến tranh giành khách, cãi vả om tỏi, gầm gừ nhìn nhau, mà cách đấy có mấy phút còn ngồi uống trà anh anh chú chú. Mới thấy dưới xuôi, sự thực dụng, vô cảm và chụp giựt đã trở thành văn hóa mất rồi. Tony nhớ đến em, cô gái miền cao thanh khiết, váy áo sặc sỡ thong dong, dắt chó hay cặp nách lợn xuống chợ huyện, gương mặt thánh thiện trong veo. Trong đầu bất chợt nghĩ đến câu hát trong bài “Còn Chút Gì Để Nhớ” của Phạm Duy " may mà có em, đời còn dễ thương".