Cafe buổi sáng cùng Tony

Tập hợp các câu chuyện thú vị của Tony buổi sáng (TnBS).

Cái chết của Chu Du

Đọc tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa, ai cũng biết đến nhân vật Chu Du, vì ghen tỵ với tài năng của Khổng Minh mà hộc máu chết ( theo truyện Tam Quốc, không phải lịch sử). Đó là cái chết vì đố kỵ, mang đậm màu sắc của văn hoá Trung Hoa. Các nước lân bang thì càng gần khoảng cách địa lý với Trung Quốc thì càng bị cái tính này nó lây lan, hẻm phải riêng VN mà bên Hàn, bên Nhật...cũng bị. Càng xa biên giới Việt Trung, càng thoát văn hoá Trung Hoa thì tính đố kỵ, ghen ghét người khác cũng bớt dần. Chẳng hạn như vùng Cà Mau, trong làng ai có gì vui như đỗ đạt, trúng số, trúng lúa, thăng chức...thì cả làng bưng đồ đến, đổ bánh xèo, uống gụ, chung vui mừng rỡ một cách thật lòng. Còn nếu ngoài trung ngoài bắc, thành công phải giấu nhẹm đi, mới mong được bình yên, tuy không phải là tất cả.

Bên kia sông Cầu có người đỗ tiến sĩ, ngày vinh quy bái tổ, thay vì chèo thuyền qua sông chung vui, nhiều người xã Đoài bên này ngồi chửi đổng, điên tiết vì không biết vì sao nó giỏi thế. Rồi tự an ủi AQ, rằng nó may mắn chứ chả hay ho gì, chắc có ai đó nâng đỡ. Tóc xoã vai gầy, ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ mong nó thất bại hay bị tai nạn bệnh tật ốm đau mà chết quách để hả lòng hả dạ. Thôi thì cũng thông cảm, văn hoá tiểu nông ăn sâu quá rồi, con gà tức nhau tiếng gáy, và cũng, vì chút Chu Du còn sót lại, cả ngàn năm Bắc thuộc còn gì.



Tony thích văn hoá miền Tây Nam Bộ, vì nó là vùng đất mới, chưa từng bị phong kiến Trung Hoa ra sức đồng hoá, nó gần với văn hoá Miên Thái, hào sảng và phóng khoáng, bao dung và thiệt tình. Đau thật với nỗi đau người khác, vui thật với niềm vui của bạn bè. Không giả lả giả tạo, ăn nói cho hay nhưng trong lòng nghĩ khác, chỉ muốn mình hơn, còn mong ai cũng te tua, nghèo khổ, dốt nát, xui xẻo, xấu xí.

Tony có khá nhiều bạn hạc. Và họ từng là những người bạn thật tốt. Nhiều lúc thời sinh viên, Tony đói xanh mặt, qua nhà trọ của bạn mượn 10 ngàn đồng mua cơm, bạn chỉ có 20 ngàn, bạn chia cho một nửa. Rùi vui vẻ qua hết thời sinh viên khốn khó, với biết bao là tình. Ra trường, nhóm bạn bắt đầu chia rẽ, vì có ai đó khó chịu khi đứa khác tìm được việc làm ngon. Rùi rạn nứt khi bạn bè cùng nhà trọ ngày xưa mua nhà ở thành phố. Sự bực bội dâng đến đỉnh cao, mời đi tân gia là không đi, hay đi cũng qua nói vài câu xỉa xói móc méo cho nó xui xẻo chơi. Ngồi lầm bầm, kiểu mẹ tức muốn chết, mình vẫn còn nhà trọ mà nó đã chung cư cao cấp rùi. Rùi chấm dứt quan hệ, không rõ tại sao, chỉ thỉnh thoảng nghe qua bạn bè những câu đại loại như " giờ nó thành đạt quá rồi, đâu thèm nhìn mặt tao" nếu bạn bè hỏi lâu nay mày có gặp thằng A con B hem.

Khi facebook ra đời, nhiều người âm thầm theo dõi ngày đêm. Thấy anh bạn post tấm hình nhà mới, 2 đêm mất ngủ, ra sân đá thúng đụng nia, quánh mèo quánh chó, khiến chó mèo tàn tật hết trơn. Thấy cô bạn post status đi Mỹ du lịch với chồng, nói cái con nhỏ này ăn trúng gì mà may mắn thế, liền mất ngủ 3 đêm. Tất cả stt đều không bấm like, chỉ đọc. Rồi một ngày anh bạn post status mất việc, thì lòng vui mừng khôn xiết, lấy bia ra uống, lần đầu tiên bấm like. Rồi thấy cô bạn post status ly hôn, ôi trong lòng vui sướng biết bao, cho chừa, cái tội hôm bữa khoe đi Mỹ với chồng nha mậy, nhảy vô comment, ghi đại loại như " sao vậy bạn ơi, có cần gì thì mình giúp" mà trong lòng thì ngược lại, hả hê, vui sướng, vừa tắm vừa hát vang. Đi nhậu lúc ngà ngà say, nghe bạn nói " tôi vái ông bà cho ông bầu A rớt máy bay chết cho rồi, nhìn ông ấy sở hữu chiếc máy bay riêng mà ngứa mắt. Còn ông tỷ phú B, ông đó mà phá sản, tôi mở tiệc ăn mừng". Phụ nữ thành đạt nào cũng bị gán câu " ôi cái con đó tài năng gì, nó cặp với ông này ông kia mới được như vậy". Lúc này, sự đố kỵ không còn bình thường nữa, nó đồng nghĩa với cái ác, cái vô lương và nếu bạn gặp những người như vậy, không đáng giao du, kết bạn. Cái xứ mình nó thế, dù có hạc có hành, có chức vụ hay học vị học hàm, có tiền có bạc, có vợ đẹp con khôn, vẫn mang cái văn hoá Chu Du ấy trên người, tự mình làm khổ mình ghê gớm, nhiều người cũng nhận ra nhưng không dễ bỏ ngày một ngày hai.

Tony có anh bạn, tên X. Rất thân vì lúc cơ hàn, cần gì cũng giúp. Nhưng tính ganh đua đố kỵ cũng lớn. Không phủ nhận tính ganh đua cũng có mặt tích cực, đó là việc giúp mình có động lực để không thua kém bạn bè. Việc thấy Tony nói 2 ngoại ngữ lưu loát khiến anh lao vào học như điên, 5h sáng đã ngồi dậy học từ mới, tối nào cũng đến 2 trung tâm để luyện, thậm chí mời cả giáo viên tiếng Hoa tới nhà để dạy, nên anh cũng nói được ngoại ngữ khá tốt. Hồi còn hạc chung, có lần cô giáo yêu cầu đọc cuốn "Tư Duy Lại Tương Lai" và nộp bài cảm nghĩ, Tony lùng nhà sách hẻm có, mới qua nhà anh mượn đi photo. Anh trả lời, gì chứ sách tuyệt đối không cho mượn, khiến Tony không nộp được bài, nhưng Tony cũng tốt nghiệp được. Năm 2006, Tony mua ô tô đi lại, biết tính anh nên không nói, thế là 1 bữa anh chạy qua nhà, khoe với Tony là đã mua được chiếc Civic, có đi đâu không tôi đưa đi ngồi ô tô cho mát. Tony nói là tôi cũng mua rồi, cả mấy tháng rồi. Anh giận dữ quày quả đi về, nói thằng này cái gì cũng hơn mình, về nhà vô phòng, bật đèn, tóc xoã rũ rượi, không ăn không uống không nói không cười mấy hôm liền. Nếu không biết dừng lại, tính ganh đua sẽ trở thành tính đố kỵ, rất uổng phí một đời người vì không làm được nghiệp lớn.

Nên nếu có chơi phải sống với thể loại này, phải giấu mọi thứ mình có như mèo giấu " hàng hoá Tony đang kinh doanh", vì để họ thấy họ sẽ tức tối rất tội nghiệp, ảnh hưởng đến sức khoẻ, nặng thì hộc máu chết như Chu tiên sinh ấy chứ chẳng phải đùa. Bạn Nam nói, 2 vợ chồng nó nghe nói bạn X tới nhà là phát hoảng. Vì X tới, sẽ đảo mắt nhìn quanh, hỏi thăm, nếu thấy nhà Nam có mua sắm cái gì mới, X về giận, phát bệnh. Nên nghe tin X đến thăm, vợ chồng nó dọn dẹp bắt mệt. Phải gửi xe hơi đi chỗ khác, giấu cái tivi xịn vào phòng, quần áo pyjama bóng loáng phải cất, phải lập tức mặc áo cụt quần què vào, gia nhân giúp việc tài xế...phải lập tức ra khỏi nhà, đi lánh mặt, núp ngoài bờ rào biệt thự, khi nào X về mới được vô. Thằng Nam phải lập tức nhảy xuống lau nhà, con vợ phải ngồi nhặt rau, vú móm lòng thòng, tóc rối bù, vợ chồng giả bộ chì chiết nhau chuyện tiền bạc, con cái nó phải vọc đất vọc cát, mũi miệng phải lem nhem. Đang ăn tôm cua thì phải cất ngay, lôi rau muống nước mắm ra. Gương mặt phải teo tóp hốc hác, không được phúng phính trắng hồng, X nó không thích, nó giận.

Cũng mấy lần đi nhậu, bạn nhậu nói mày biết doanh nhân thành đạt ABC không, nó dở ẹt à, lúc hạc chung với tao, rớt lên trượt xuống, ngu lắm mày ạ. Chuyện quá khứ là quá khứ. Lúc nhỏ người ta có thể hạc kém, nhưng sau này, cả quá trình tự đào tạo của họ, mình đâu có biết. Để có được số tiền đó, người ta đã phải thức khuya dậy sớm thế nào, bạc tóc tính toán ra sao, chết bao nhiêu nơ ron thần kinh ...và sẵn sàng chịu n cái rủi ro. Để có được giải thưởng nào đó, người ta đã phải hy sinh những thú vui cá nhân, đã phải dùi mài kinh sử tập luyện quần quật thế nào, mình đâu có biết. Chỉ thấy thành quả và thay vì mình cũng cố gắng đạt được, lại sinh ra lòng ghen ghét, một cách rất Chu Du.

Người mình cũng ít công nhận tài năng của nhau. Không chịu thừa nhận trên đời, có những con người, tạo hoá cho họ khả năng hơn, và dĩ nhiên họ sẽ thành công hơn. Nhà văn VN ít ai đọc tác phẩm của người khác, chỉ say sưa đọc đi đọc lại văn mình. Nhà báo hay vài người biết viết lách cũng vậy, không ai đọc ai, nên đề tài viết ngày càng teo tóp, bó hẹp, tư tưởng càng ngày càng bảo thủ, ráng moi móc chê bai nhau cho được, dù chỉ là một lỗi chính tả cũng làm ầm lên. Vì vậy, khi đồng nghiệp được quốc tế công nhận, họ gần như hoá điên. Phần lớn nhà văn Trung Quốc cho rằng Mạc Ngôn bỏ tiền ra mua giải Nobel, cô lập ông sau khi ông nhận giải. Mấy nhà văn lão thành Trung Quốc vội lên hạc viện ngôn ngữ Bắc Kinh nhờ dịch hết các tác phẩm của mình sang tiếng Anh, rùi đem qua nước ngoài chào hàng, nhưng tụi Tây vứt hết vào sọt rác vì đọc hẻm hiểu. Các nhà văn trẻ TQ còn thành lập hiệp hội anti- Mạc Ngôn, hoạt động ì xèo, gửi đơn thưa kiện, chưa có tiền lệ trong lịch sử Nobel văn hạc. May mà chưa có Nobel văn hạc cho tác giả Việt Nam, nếu có thì tác giả đó sẽ sống dở chết dở vì Chu Du từ dư luận.

Giống ở nước ta cũng có vài cuốn sách best seller và lập tức xuất hiện 1 nhóm người anti, kiện tụng khí thế. Trí tuệ thay vì đi làm cái gì đó hay ho cho đời, lại suốt ngày đả phá người khác, thiệt uổng. Ngày GS Ngô Bảo Châu nhận giải Field, thì cũng là ngày bệnh viện tâm thần Trâu Quỳ Hà Nội nhận cả chục bệnh nhân vào khám, cũng toàn các bạn cũng từng đoạt giải quốc tế quốc gia, nhưng vì tức tối mà sinh ra tâm bệnh, ngồi bứt tóc móc mắt, xé quần xé áo trong thật thảm thương.

Hôm bữa họp lớp, có mặt anh bạn X. Anh lại xách mé, nghe nói Tony dạo này đi nước ngoài như đi chợ ấy nhỉ. Tony chỉnh ngay, cái này là không đúng. Anh vui mừng lắm, nói thế không có tiền đi đâu à, làm ăn không được à, sắp phá sản rồi à, nói thật đi để bạn bè lo cho. Mọi người há hốc mồm nhìn. Tony mới từ từ giải thích. Năm vừa rồi, Tony đi nước ngoài 20 lần, trong khi đi chợ có 1 lần, so sánh vậy là khập khiễng. Cái anh hỏi, ủa vậy giờ phải nói sao, Tony nói là lần sau phải nói " dạo này Tony đi nước ngoài như đi siêu thị ấy nhỉ".

Vì Tony, cũng hay đi siêu thuỵ.

Chuyện Rủng Rỉnh

1. Tony có chị bạn tên tiếng Hoa gọi là A Rủng, còn mình tên là A Rỉnh. Chị này sau cả chục năm làm hướng dẫn viên du lịch, ớn quá, muốn đổi nghề. Cái Tony nói thôi, em chỉ cho chị làm 1 business về xuất nhập khẩu nha. Em có đối tác bên Trung Quốc đang làm lưỡi cưa cắt đá bằng kim cương nhân tạo, tức diamond saw blade, vì chỉ có diamond mới cắt được đá granite hay marble. Em làm phân bón, thuốc sâu, hóa chất, nhiều mảng quá rồi, thôi chị làm đi. Cái mình hướng dẫn chị ấy làm, đưa đi gặp khách ở Gia Lai Quy Nhơn Hà Nội, tức các nhà nhập khẩu để đàm phán thương mại chứ chị ấy gặp khách là ép shopping-thói quen của một hướng dẫn viên du lịch nước ta.

Xong cái chị bắt tay vô làm. Một hôm nhà máy sản xuất Trung Quốc giao hàng trễ, mà khách bên này hối quá, nên Tony nói chị qua Trung Quốc đi, biết cơ ngơi nhà máy của người ta mà làm cho dễ. Xong cái chị lật đật xin visa đi qua bển, dắt ông chồng theo. Ông chồng người Anh. Còn chị thì cũng biết tiếng Anh. Mà đối tác A Lỉn và A Che, thì tiếng Anh viết được chứ nói hẻm được, sản phẩm của nền giáo dục Trung Quốc. Chị ấy bàn thôi chị em mình học tiếng Hoa cấp tốc đi, để chuẩn bị cho chuyến đi. Chỉ có mấy tuần phải đi nên học gấp. Lên mạng rao tùm lum mới kiếm được ông thầy. Ông này dễ thương lắm, nhận tới nhà dạy cho 2 chị em. Mỗi lần ổng tới, bắt ngồi chờ cả buổi, rồi chị mới gọi thầy tới rồi mày, qua hạc lẹ lên, để ổng chờ. Cái Tony mới phóng xe wave alpha từ Gò Vấp xuống Thái Văn Lung hạc. Ổng ban đầu cũng hẻm có hài lòng về thái độ của 2 đứa, nói sao kiêu sa chảnh chẹ quá. Sau đó thì thấy 2 chị em tung hứng vui quá nên thích thú, riết cái ghiền, ngày nào cũng đòi qua dạy. Gọi điện bữa nay A Rỉnh với A Rủng có rảnh hem, thầy qua dạy nha. Thầy nhớ 2 đứa quá hà. Cái mình nói, thầy cứ ngồi nhà chờ, rảnh tụi em gọi thì thầy chạy qua liền nha, kẻo tụi em đổi ý. Ổng ngồi chờ miết, ngày nào cũng ngồi chờ rồi nhắn tin bằng tiếng Hoa khỏe không, có gì vui không...nhưng mình biết chắc mẩm là ổng muốn qua dạy chứ không gì hết.



Lên đưa hết cái cặp của ổng cho lựa. Thích bài nào thì lấy ra bài đó ổng dạy cho. Có bữa hẻm hạc, nói tài liệu thầy soạn dở quá, thôi thầy dạy trong tờ catalogue siêu thị Metro nè. Cái ổng căng thẳng dạy nào bắp cải 8,000 đ/kg, nho Mỹ 50,000 đ/kg, toàn ăn uống nhảm nhí tào lao. Có bữa thì đang hạc nửa chừng nói thầy ơi, tụi em hạc nhiều nóng não quá, thèm ăn hột vịt lộn. Ổng nói đâu đưa tiền thầy đi mua cho. A Rủng đưa ổng 20 ngàn, ổng phóng xe như bay ra đầu đường, đem về 6 trứng, thối lại 2 ngàn. Mời ăn thì ổng nói ổng ăn chay trường, A Rủng giận, nói sao hồi nãy hẻm mua 4 trứng thôi, chứ thầy nghĩ tụi em sao ăn nổi mỗi đứa 3 trứng. Vừa ăn vừa xỉa xói, ổng ngồi cười ha hả. Biết ổng ăn chay nên A Rủng nói thôi giờ sau mỗi bữa, em sẽ nấu chè chuối cho thầy ăn, nhưng bớt hạc phí xuống nha. Nói giỡn mà ổng tưởng thiệt, ngồi buồn xo, nói 2 đứa là chủ doanh nghiệp thành đạt mà sao đối xử vậy. Dạy lúng túng nên phát âm sai hết mấy chữ, có vẻ muốn nghỉ. Cái mình nói tùy thầy thôi, hẻm dạy thì tụi em tự hạc, tụi em thông minh quá mà. Ổng sợ quá nói thầy nói giỡn chứ dạy chớ dạy chớ, miễn phí cũng dạy...

Còn đâu 2 ngày nữa lên đường nhưng từ vựng về đàm phán thương mại 2 đứa hẻm biết gì. Lo lắng quá, A Rủng hỏi thầy ơi, hôm nay hạc tiếng Hoa thương mại nha, thầy dạy giùm những từ như giao hàng, chiết khấu, thanh toán, container....đi chứ sao em biết qua bên kia nói gì với đối tác. Ổng lắc đầu nói, sao tui biết mấy từ đó, tui chuyên dạy cho mấy nhỏ lấy chồng Đài Loan mà. Chứ trên mạng, thầy rao dạy cấp tốc là để đi lấy chồng chứ làm ngoại thương phải bài bản chứ ai lại đi hạc cấp tốc.

Sau 1 tháng dùi mài kinh sử, thấy chị ấy chỉ có khả năng nói hết sức lưu loát những câu như " anh ơi em đang gội đầu", " chồng ơi em đói bụng", "cho tiền gửi về cho mẹ em ở quê" hay " anh ơi em có bầu rồi".

Chết. Đi đàm phán mua lưỡi cưa cắt đá mà.

2. Cái A Rủng cùng chồng khăn gói quả mướp đi sứ Tàu. Trước khi đi, công tác tổ chức chuỳnh bay ( tức chuẩn bị) hết sức nghiêm túc. A Rỉnh tiễn A Rủng đi, dặn nhớ đối đáp lượm liền và sắc sảo cho nó biết phương Nam không thiếu người tài sắc nha. Chị ấy nói A Rỉnh à, em là người trên thông thiên văn, dưới tường địa chất, em chỉ cho chị đi. Cái mình ra sức nói những điển tích sử Tây sử Tàu, để chị sang bên kia mà uốn 3 tấc lưỡi nói hay như Trương Lương, cho tụi kia nể phục. Những câu hồi xưa coi cải lương thuộc lòng như " Họa hổ họa bị nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm" hay đọc sách mà biết được như " bất đáo trường thanh phi hảo hán", rồi đến thơ Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Tô Đông Pha gì cũng được A Rỉnh chuyển ngữ sang tiếng Hoa trang bị cho chị ấy. Ví dụ qua đó đi với đối tác, thấy trăng sẽ nói ngay " ngẩng đầu ngắm trăng sáng, cuối đầu nhớ cố hương". Hay thấy 1 đóa mẫu đơn sẽ đọc ngay thơ về hoa mẫu đơn của Lý Bạch, leo lên lầu ăn sủi cảo thì cũng đọc vang bài Hoàng Hạc Lâu. Hai chị em cuối tuần đi shopping mua đất mua nhà ở Bình Dương, ngồi xe cả tiếng không biết làm gì nên A Rỉnh còn tập cho A Rủng bẻo dèn ( tức biểu diễn) bài Yue Liang Dai Biao Wo De Xin ( tức bài ánh trăng kia nói hộ lòng em), từng do Đặng Lệ Quân ca. Qua đó nếu nó mời karaoke thì kêu mở bài này, vì thuộc lòng rồi nên cứ tự tin ca, chứ 1 chữ bẻ đôi A Rỉnh và A Rủng cũng hẻm biết, nhưng cầm micro là bẻo dèn ầm ầm cho tụi nó sợ.

A Rủng hết sức tự tin nên đi qua bển, tụi Tàu nể lắm. Vừa xuống sân bay đã bước đi với dáng vóc mà chị ấy cho là sang trọng, đi 2 bước lùi 1 bước ( giống nhảy Rumba). Áo bà ba hồng, quần đen, nón lá, trang điểm lem luốc, mở miệng nói tiếng Tàu, hẻm thèm nói tiếng Anh. Nói theo giáo trình của thầy hột vịt lộn nên tụi Tàu quấn quýt hỏi nị hạc tiếng Hoa ở đâu mà ngọt ngào quá. Lúc xe chạy ngang qua cầu, đối tác nói, đây là sông Trường Giang nè, A Rủng thất thanh kêu ngừng xe lại, bước ra đứng trên cầu và chỉ ngay xuống dòng sông, nói dõng dạc: " Trường Giang sóng sau xô sóng trước - Chang jiang hou lang tui qian lang) rồi leo lại lên xe, im lặng không nói thêm. Bọn Tàu say mê, nói ô kìa, xưa nay ra đứng trỏ tay chỉ xuống sông mà phán như vầy, chỉ có bậc anh hùng kỳ tài trong thiên hạ mà thôi. Gái phương Nam thiệt là tài giỏi và xinh đẹp. Chị liền xõa tóc che miệng nói Nả lì nả lì ( tức đâu dám đâu dám), y chang Tâm Tâm Như trong Hoàn Châu Cách Cách.

Tới khách sạn thì đã trưa. A Rủng nói với A Che ( đối tác Trung Quốc) là tao muốn đi xì thẩu ( tức gội đầu), trời nóng quá hà, hình rưa hình rưa. A Che nói hạo lơ hạo lơ, 2h tao qua đưa đi xì thẩu, mày nghỉ ngơi đi. Cái A Che kẹt công chuyện, 4h mới xong, nên mới gọi vô khách sạn để hẹn lại. Ông chồng người Anh bắt máy. Ông chồng sáng giờ bực mình rồi, vì thấy A Rủng nói toàn tiếng Tàu với đám kia, không hài lòng lắm vì ông không biết tiếng, không tham gia trò chuyện được. Lúc gọi, A Che, tiếng Anh lõm bõm, thấy Tây bắt máy nên sợ quá nói 1 tràng " Hi, please tell her, that at 4 o'clock, I and Mr Lin will come to the hotel together wash her hairs" rồi cúp cái rụp, sợ hỏi tiếp hẻm biết trả lời. Dân dốt tiếng Anh hay vậy, giành nói ào ào, vì sợ đối tác nói 1 cái là nghe không được. "Wash her hair" ý là đưa cô ấy đi gội đầu, vì không biết nói tiếng Anh chữ gội đầu ra làm sao. Ông chồng nổi cơn ghen tam bành. A Rủng vừa toilet ra thì bị vặn vẹo vì sao mới qua mà đối tác đã đòi tới khách sạn rửa lông cho bà? Mà together mới ghê.

Trân sâu bu lẹo ( zhen shou bu liao) !

Có những nỗi buồn mang tên thực tập sinh.

 Vụ chìm phà Sewol, và gần đây là kiểm soát không lưu tại sân bay Đà Nẵng....Các bạn thực tập sinh phải cẩn thận hết sức, và những người hướng dẫn cũng vậy. Nhưng nếu không cho họ làm, thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Nhưng cũng sẽ là thảm hoạ nếu để các bạn ấy tự làm. Sáng nay, trên TnBS

Dặn dò sắp nhỏ

Gửi X, và Y, hai nhân viên thực tập mới của anh.

Hai đứa vào làm, cố gắng theo kịp tốc độ của đồng nghiệp nhé. Đừng để mình thụ động ngồi im, ai sai gì làm nấy, kiểu Mr Thiên Lôi. Mình đã là nhân viên của hãng rồi, nên cứ tự tin. Vào làm, lúc khởi động máy tính, mất hết mấy phút, mình tranh thủ vệ sinh chỗ làm, sắp xếp bàn ghế, các giấy tờ trên bàn sao cho sạch sẽ thơm tho. Rồi bắt tay vào việc, ghi ra to-do-list, các việc làm hôm nay của mình. Sau đó thì thực hiện tuần tự. Vào hộp mail xem có ai gửi thư, nếu gấp thì trả lời họ ngay, tuỳ cơ mà ứng biến, mình phải xác định việc gì gấp việc gì không. Ví dụ mail rủ cuối tuần đi chơi thì không gấp bằng mail phải gửi hoá đơn cho họ giao hàng sáng nay....Các email hay điện thoại cho khách, nếu khách vẫn chưa trả lời thì nhắc nhở lại, quan hệ công việc và công việc, ngại gì.



Có thời gian thì sắp xếp giấy tờ vô folder, lưu trữ. Loại bỏ các giấy tờ không dùng nữa, còn 1 mặt thì đưa vào giấy nháp. Rảnh nữa thì hỏi đồng nghiệp có ai có việc gì không mình giúp. Hoặc có ai nhờ thì dạ thưa ngay, ghi vào sổ, rảnh sẽ làm cho họ, đừng từ chối trừ khi mình bận quá. Đi sớm 1 chút, về trễ 1 chút, có sao. Mình chỉ có 1 tuổi trẻ để nhiệt tình thôi....

Rảnh nữa thì báo cáo anh, xin việc, anh sẽ giao việc cho làm. Đừng ngồi thở dài, thẫn thờ nhìn vào màn hình và đầu óc empty. Phải luôn chân luôn tay, vừa đi vừa chạy, miệng tươi cười, gương mặt sáng bừng nét thông minh lanh lợi. Ai gặp cũng yêu, ai làm việc cùng với mình cũng thích.

Dặn dò vậy nhé, anh đi Mỹ đây, 2 đứa ở nhà làm cho tốt

Hãng trưởng

Tèo

Chuyện thằng Quân

Năm ngoái, lúc tìm đơn vị thi công cho Villa De Tony ở quận 9, có anh bạn giới thiệu Tony đến một công ty xây dựng của nước ngoài, vì ảnh nói chi phí làm cao hơn một chút nhưng không có phát sinh nhiều tiền hay trễ hạn. Bạn nào xây nhà rồi thì biết, thầu người Việt cứ dự toán 200 triệu thì lúc xong sẽ thành 300 triệu, dự kiến 6 tháng xong chứ phải 1 năm, dù thầu xây dựng đó đã xây n nhà, nhưng không hiểu sao không rút kinh nghiệm, cứ bị vậy hoài. Tìm một đơn vị xây dựng của Việt Nam mà làm đúng tiến độ hay đúng dự toán cũng có nhưng hơi khó.

Bữa đó, ra tiếp Tony là một cậu còn trẻ tên Quân, thấy ghi trên danh thiếp là trưởng phòng. Tony ngạc nhiên, vì ngành này mà lên chức trưởng phòng thường là phải lớn tuổi. Hỏi ra mới biết là nó ở trọ gần chung cư Tony. Nên Tony rủ qua nhậu vào cuối tuần với nhóm bạn bè của mình.

Nó kể em mới học xong lớp 9, nghỉ học ở nhà phụ bố làm cửa sắt trên thị trấn Bắc Hà. Sau đó học trung cấp nghề ở Lào Cai ngành xây dựng dân dụng, vừa học vừa làm, tốt nghiệp cấp 3 hệ bổ túc. Sau đó vô Sài Gòn, em vừa đi phụ hồ, vừa tranh thủ học ngành xây dựng ở một cao đẳng dân lập trên Gò Vấp. Tình cờ em đọc một câu trong một cuốn sách, đại ý là đời người chỉ có một lần sống trên trái đất, nên đi đây đi đó ra thế giới bên ngoài cho biết. Thế là em lao vào học ngoại ngữ như điên, dù mấy lần bỏ cuộc, vì bị ngọng l, n, r, d, ch, tr, y.. Ban ngày đứng dưới nắng nóng làm việc, tối đến chỉ muốn lăn ra ngủ. Nhưng ý chí của một người con trẻ lại bùng lên, em lại lốc cốc đến trung tâm và về nhà tự học đến khuya. Rồi có lần em thấy công ty này quảng cáo này tuyển nhân viên, em nộp đơn và được nhận vào làm, ông Tây sếp nói mày học gì không quan trọng, quan trọng là mày có cái gì trong đầu. Đúng 6 tháng sau, em được lên làm trưởng phòng, chỉ huy cả mấy chục đứa, có cả kỹ sư tốt nghiệp từ các đại học lớn.

Nó nói em 5h sáng đã ngủ dậy, tập thể dục rồi đi làm sớm nhất công ty. Lên dọn dẹp giấy tờ của mình và của các bạn trong phòng, coi các file trên máy tính, cái nào không xài thì xóa. Dọn dẹp máy tính cũng như dọn dẹp ở nhà vậy. Rồi thậm chí phụ chị lao công lau chùi toilet, hút bụi, lau kính trên cao chỗ chị ấy với tay không tới. Trong lúc làm việc, em ngồi viết ra các việc phải làm, nên chiều khi đóng máy tính thì mọi việc đều đã giải quyết hoặc em đã nắm được tiến độ là đang tới đâu, để mai vô xử lý tiếp. Buổi tối, em nán ở lại 1 tiếng hướng dẫn các bạn mới vào hay nhóm sinh viên thực tập. Nó nói mình hướng dẫn các bạn, mình cũng ôn lại kiến thức và nhiều cái mới các bạn phản biện, mình sẽ tìm hiểu thêm. Nên lúc họp với sếp lớn bên nước ngoài qua, nhiều kỹ sư tốt nghiệp Bách Khoa, Xây Dựng….nhưng nghe tiếng Anh lõm bõm hoặc không cập nhật kiến thức mới, em phải dịch lại cho hiểu sát nghĩa. Trong các lần tranh luận, em đều có căn cứ và lập luận rõ ràng đưa ra để mọi người tâm phục khẩu phục, dù em chỉ có cái bằng cao đẳng nghề gì đó thôi chứ không phải là kỹ sư hàn lâm. Tụi kỹ sư kia đầu tiên cũng coi thường em, nhưng riết thấy em tử tế và hiểu biết nên đành im lặng.



Có bữa Tony sang nhà trọ rủ đi uống cà phê. Nhà trọ của nó nằm sâu trong hẻm, ở chung với 3 đứa nữa. Vô thấy nó đang hì hục lau quạt trần. Thấy tivi bàn ghế gì đều sạch như mới. Nó nói 3 đứa kia làm biếng lắm, nói dọn dẹp làm gì, vì đây là nhà trọ. Nhưng nhà trọ cũng là nhà, chỗ mình ở phải sạch sẽ tinh tươm, mình hưởng chứ ai hưởng. Tony nói đúng, thể loại làm biếng thì nhà trọ nó không lau đã đành, cho nó cái biệt thự nó cũng không lau luôn.Nó nói em ngồi quan sát miết, cứ có góc nào trống là em thiết kế một cái gì đó, có khi chỉ là một cái kệ để bình hoa cho đẹp. Tối nào nếu không gặp khách nó cũng tự nấu ăn, rồi đi tập thể dục chạy bộ ở trung tâm thể hình, xong về ngồi học anh văn hay đọc sách đến khuya, chỉ đi chơi với bạn bè vào tối thứ 7 hay sáng chủ nhật, còn lại thời gian là đầu tư cho trí tuệ và sức khỏe. Nhìn nó sống rất văn minh. Trên tường là kệ sách có nhiều sách chuyên môn lẫn sách văn học, tranh thủ đọc vào buổi tối trước khi ngủ. Tony mở coi thì bao nhiêu sách kinh điển như Đỏ và Đen, Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn, Tiếng Chim Hót trong bụi mận gai, thậm chí Miếng da lừa của Balzac cũng có. Tony thấy thằng này còn trẻ mà đọc sách văn học như vậy, là đứa hay ho đẳng cấp đây, nên đồng ý cho đi theo rót rượu trong các cuộc nhậu với nhóm bạn.

Tony cũng hay gọi nó qua sửa giùm ống nước hay bắt lại điện đóm trong nhà. Nó tranh thủ mang đồ nghề qua làm liền, làm xong dọn dẹp hút bụi lau sạch như mới, cho tiền nhưng không lấy. Nên cả nhà Tony ai cũng mến. Nó thích ngồi nhậu với đám bạn Tony, vì thấy ai cũng thành đạt, có sự nghiệp riêng ổn định, bạn nào cũng có gia đình riêng bé nhỏ và thường xuyên gặp gỡ giúp đỡ nhau. Cuộc rượu cuộc trà nào cũng toàn đàm đạo chuyện văn thơ, không bao giờ bàn chuyện chính sự hay làm ăn gì cả, dù kẻ bán phân, người sản xuất nhôm nhựa, kẻ bán phấn đưa hương ( kinh doanh mỹ phẩm) chứ không phải là văn nghệ sĩ. Nó nói nhóm bạn của anh, theo em là nhóm “ tao nhân mặc khách” giống “Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú” thời Lê Thánh Tông ngày xưa, chứ không có xôi thịt như nhiều người giàu có bây giờ. Nên ngưỡng mộ lắm, nói các anh giúp em thiết kế cuộc đời đi. Mình nói dù em có thiết kế cuộc đời hay không thiết kế, anh tin là em sẽ hạnh phúc và thành công. Vì em có nhiệt tình, em có trí tuệ, em có sự chăm chỉ và quan trọng nhất, em được lòng mọi người. Và sự chân thành của em xuất phát từ tâm sáng, tụi anh lăn lộn thương trường mười mấy năm nên nhận biết dễ dàng lắm. Giữa đứa mồm mép và đứa thật lòng, tụi anh nói chuyện 3 nốt nhạc là phát hiện ra.

Mình cho nó 7 câu hỏi, kêu về suy nghĩ trả lời bữa sau mình thảo luận. Thứ nhất là the mission of life, tức sứ mạng của cuộc đời bạn là gì. Sứ mạng ở đây là mày muốn tương lai mày ra sao, một ông chủ một quán bánh bèo, một người lãnh đạo ở một tập đoàn, hay một giáo viên, một linh mục, một nhà hoạt động xã hội, hay đơn thuần chỉ là 1 người đàn ông có 1 gia đình bé nhỏ, hay thành cái ông gì đó mà mình mong ước. Nó về suy nghĩ 3 hôm. Cái bữa sau, nó đem qua cho Tony 1 con gà quay, dắt theo một cô bạn xinh xắn...(còn tiếp)

Chuyện ở Quế Lâm

Cách đây mấy năm, Tony ra Hà Nội ăn Tết. Xong cái hẻm có vé máy bay bay vào, kẹt cứng đến mùng 10. Mà phải có mẹt ở hãng vào sáng mùng 9 để họp, bèn ngồi suy nghĩ, thôi đi qua Nam Ninh bay về. Cái gọi cho bạn bè bên Trung Quốc, nói tụi mày rảnh sang Nam Ninh chơi, gặp gỡ đầu năm cái. Cái tụi nó nhắn tin lại OK. Nói rồi, Tony quày quả xách giỏ ra Nguyễn Trường Tộ bắt xe qua bên kia biên giới. Ngồi xe đò lên Hữu Nghị Quan, bọn nhà xe và hành khách nói ủa sao có cái anh này dân miền trong mà nói tiếng Trung giỏi quá, thấy nghe điện thoại nói như gió, vì vốn Hán ngữ của mình khá là lỉu li ( lỉu li là lưu loát). Mọi người say mê, bu lại hỏi thăm trò chuyện. Cái mình nói say mê cái gì, chút nữa tui bán hết mấy người qua biên giới bây giờ. Nữ thì làm vợ cho cả nhà người ta, còn nam thì làm phu lò gạch, 3 năm không thấy ánh mặt trời. Mọi người nghe thế sợ hãi, năn nỉ, nói thôi đừng bán anh, thôi đừng bán chụy. Tony nói ừ, tôi là người nhân hậu, yên tâm, đi biên giới phải cẩn thận chứ, trai đẹp rủ đi biên giới là kiên quyết không đi nhé, 10 thằng thì 9 thằng là dân buôn người. Có cả cô phóng viên hay phát thanh viên đài truyền hình tỉnh nào đó cũng từng bị dụ bán qua bển khóc quá trời kìa.




Xe dừng tại Tp Lạng Sơn. Tony thuê xe ôm chở tới biên giới Tân Thanh. Cái làm thủ tục qua cửa khẩu Hữu Nghị quan xong, bắt xe đi Nam Ninh. Đường cao tốc từ Bằng Tường đi Nam Ninh khá tốt so với VN, nhưng so với các tỉnh khác ở Trung Quốc thì lua hâu lắm ( lua hâu là lạc hậu). Gặp bạn bè nhậu nhẹt hàn huyên xong, mùng 8 ra sân bay Nam Ninh, book vé về Sài Gòn, bay lúc 2h sáng nhưng cũng hẻm còn chỗ. Toàn dân Sài Gòn, hóa ra, họ cũng từ Hà Nội sang và bay về. Cái ngồi buồn, hẻm phải lúc nào mình nghĩ ra là đầu tiên hết, toàn có người làm rồi. Đằng nào cũng hẻm kịp về họp, thôi bèn đi Coay Lỉn ( Quế Lâm) chơi cho rồi. Cái ra ngoắc xe đò, đáp đi Quế Lâm. Quế Lâm có nghĩa là Rừng quế, lần đầu tiên Tony đến đây. Lúc còn đi hạc, đọc qua sách báo mà biết, đối với dân Trung Quốc, Quế Lâm là nơi tuyệt vời nhất dưới mặt đất, hơn cả Tô Hàng. Quế Lâm là 1 trong 4 thành phố được chính phủ Trung Quốc bảo vệ đặc biệt các di sản ( 3 tp còn lại là thủ đô Bắc Kinh, Hàng Châu và Tô Châu). Dòng sông Li Giang uốn quanh thành phố, núi non lô nhô như tranh thủy mạc. Tony lấy tour đi dọc sông Li Giang xuôi về phía Dương Sóc. Chu cha nó đẹp. Cứ như Hạ Long trên sông, nhưng nhiều núi hơn, nhiều hình thù hơn. Y chang trong tranh treo trên tường ở các khách sạn lớn ở TQ. Cứ tưởng tượng núi này là con chó, con mèo, con voi con khỉ…gì đó, tiếc là bọn tào dẩu ( tour guide) nó cầm cái loa nói ra rả nghe bắt mệt.


Đến Dương Sóc, một thú vui không nên bỏ qua là xem người dân ở đây câu cá bằng chim cốc. Con chim cốc này được đeo một cái vòng trên cổ, và cột dây vào chân. Chim sẽ được ông chủ thả xuống nước, và lục lạo khắp nơi để mò cá. Khi có cá, vì vướng cái vòng cổ nên chim không nuốt được, lúc này ông chủ sẽ kéo chim lại thuyền, gỡ cá ra. Cứ tới con cá thứ 6 thì chim cốc sẽ được tháo cái vòng, con thứ 7 nó mò được thì cứ ăn thoải mái, vì họ tính nếu tiếp tục lấy thì nó sẽ chán, không mò nữa.


Ở Dương Sóc có 1 ngôi chùa rất cổ kính, ngay dưới chân núi mặt trăng. Ngọn núi này rất đặc biệt, trên đỉnh của nó có cái vòm do đá vôi bị xâm thực, hình mặt trăng, nom rất đẹp. Có một dòng suối chảy từ trên núi xuống, xuyên qua các tảng đá rất to. Chùa nằm vắt vẻo bên lưng chừng núi, con suối chia chùa ra làm 2 phần, có cầu đá bắc qua. Cảnh chùa khiến ai đứng xem đều cảm thấy phiêu lạc, vì nó đẹp, huyền bí, mê hoặc. Hẻm hiểu sao, bước chân Tony cứ từ từ tiến vào sân chùa, cứ như có một hấp lực nào đó. Trong sân chùa có cái cây gì cả ngàn năm, đọc từ Hán đó hẻm hiểu, thấy có rào chắn lại kỹ lưỡng lắm. Khách thập phương đông đúc vô cùng, nhưng khi vào chùa, không có cảm giác nhốn nháo như vào chùa đình miếu nối tiếng ở VN. Có lần Tony đi chùa Bà Bình Dương rằm tháng giêng, lúc ấy có hội. Tony đi 1 lần và sợ hãi kinh khủng, nam thanh nữ tú người già con nít chen lấn kèn cựa, 1 người cầm 1 bó nhang nghi ngút khói, Tony cao cứ sợ mấy bà thấp thấp người cầm nhang chọt vô thủng mất cái áo hiệu cả 3 trăm ngàn đồng. Lư cắm nhang có tới mấy chục cái, mọi người thi nhau cắm. Nhưng vừa cắm vô lư là có 1 ông đứng cạnh đó quơ lấy, trụng xuống nước, rồi vứt ra hàng đống trong sọt rác, rất uổng. Khói thì đặc quánh, hít về bệnh luôn, còn mùi khói vào quần áo và tóc thì thôi thôi không nói nổi. Trước sân chùa và trong điện chùa bà Bình Dương hay các chùa nổi tiếng khác, quang cảnh nhốn nháo, tranh giành lộc, mua bán chim, rùa, mấy cái cây gì vàng vàng đỏ đỏ. Tiếng người la hét do bị nhang của người khác chích vào tay, vào mặt, loa thì ra rả nói chú ý coi chừng móc túi. Ăn xin thì ngồi la liệt, nhiều người là thanh niên khoẻ mạnh chả bệnh tật gì. Còn đi chùa ngoài bắc thì mấy pho tượng chỉ còn thấy mỗi cái mặt, còn chỗ nào cũng bị tiền 200 đồng, 500 đồng dán chi chít, nhét đầy vào tay vào chân của tượng. Nhìn thiệt là buồn. Loáng thoáng nghe mấy cô nói nhau, mày nhét tiền vào đi, xin mới được chứng giám, mà toàn xin cho con tiền, cho con lấy chồng giàu, xin cho con áp phe vụ này thành công để mua biệt thự, đổi con Mẹc con Cam Rì…. Tony có hạc qua triết hạc Phật giáo, hẻm thấy đoạn nào nói về việc lên chùa xin tiền, xin danh lợi thì Phật sẽ cho cả.


Trở lại vụ ngôi chùa ở Dương Sóc. Tony thấy bên trong chùa chỉ có 1 khoanh nhang vòng duy nhất, thắp trên cao, khói tỏa ra dìu dịu. Tuyệt đối không thấy lư hương ở đâu. Thùng công đức để ở cái cốc đằng sau. Ai có lòng thì đến bỏ tiền vô. Người đi vào chùa được nhà chùa sắp xếp như quầy làm thủ tục trong sân bay, có cái dây đi hình zích zắc ở ngoài sân. Thế là mọi người tự động xếp hàng và đi vào đó, chỉ có 1 chú tiểu đứng canh ở cửa, mỗi lúc chỉ cho vài người vào, họ đi ra lối khác thì mới cho người tiếp tục vào. Ở ngoài sân, cách khoảng mấy trăm mét có cái lư rất to, ai muốn đốt nhang thì cứ việc. Không gian thoáng đãng nên khói tỏa bay đi hết. Tiếng chuông lâu lâu vang lên, khói trầm bay lên quyện vào những gốc cây cổ thụ, lãng đãng trên những bậc thang lên núi cho các thầy tu luyện Kungfu, thấp thoáng các bóng áo nâu sòng trong rừng trúc....khung cảnh như trong phim chưởng.


Tony đi ra phía cái cốc bên hông, thấy có 1 chú tiểu đang đứng tỉa cây, Tony mới đến hỏi thăm. Cái chú tiểu ngạc nhiên, nói ủa từ Due Nản qua hả, thấy nói tiếng Trung lỉu li nên ngưỡng mộ, giới thiệu đi gặp ông sư trụ trì. Ông sư trụ trì nghe chú tiểu vô báo là có người ngoại quốc đến viếng chùa, mà đẹp trai hào hoa phong nhã lắm, bèn vui vẻ tiếp đón. Tony bước vào phòng của ông. Căn phòng hơi tối, chỉ có 1 bóng đèn màu hồng rọi vào 1 bức tượng đá trong góc phòng. Sư trụ trì ngồi trên ghế, râu trắng tóc trắng, gương mặt đẹp một cách bí hiểm. Tony chào nỉn hạo, tươi cười. Ông mời ngồi, miệng nói nhưng tay chân đều không cử động. Ổng hỏi Tony ở đâu ở VN, Sài Gòn hay Hà Nội. Tony nói từ Sài Gòn qua, và nhìn bao quát 1 lượt quanh căn phòng theo thói quen óc quan sát hạc từ West Point. Những bức tranh và hình ảnh xưa về ngôi chùa treo trên tường đã hoen ố màu thời gian. Ổng mỉm cười và mời uống trà, thứ trà Oolong trồng ở Quế Lâm có vị đậm và ngọt hậu, tinh khiết cả hương đất trời.

Tony trò chuyện với ông về ngôi chùa, về đất Dương Sóc Quế Lâm, về nhân tình thế thái. 2 thầy trò chuyện trò càng lúc càng trở nên tâm đắc, ông khen Tony còn nhỏ mà có kiến thức tốt quá.

Đang chuyện trò thì đột nhiên, Tony cảm thấy rùng mình nhẹ ( mốt bây giờ cái gì cũng nhẹ, kể cả khùng). Một luồng gió lạnh sau gáy. Đoán là cánh cửa vừa được mở, nhưng người mở rất nhẹ, hầu như không có tiếng động. Lờ mờ trong tấm kính phản chiếu 1 bóng trắng lướt vào phòng. Tony quay lại thì thấy cánh cửa đã đóng và trong phòng chả có ai ngoài sư thầy và Tony cả. Chiếc nhẫn đá Sapphire màu đen trong tay Tony tự nhiên phát sáng lấp lánh. Chiếc nhẫn đá này là Tony mua từ Myanmar ( tiếng Hoa gọi là Mèn Ten, tức Miến Điện) trong 1 chuyến đi công tác. Đá saphire đen tuyền rất hiếm, độ cứng khoảng 9.5 -9.8 so với 10 độ của kim cương, trời đất cả triệu năm mới có 1 viên sapphire đen tuyền. Hôm đi vào bảo tàng đá quý quốc gia Mèn Ten, nhìn thấy nó tự nhiên mình có cảm tình, mới đi hỏi. Cô bán nói cả mấy năm nay viên này bán miết mà không ai mua, cứ trả giá xong rồi thì không mua hay thậm chí mua rồi lại trả lại. Tony biết là hữu duyên với mình, bèn mua mang về Sài Gòn nạm bạc, đeo như là bùa hộ mệnh. Lúc cánh cửa mở, bỗng dưng thấy viên đá đen trên chiếc nhẫn nóng dần và phát sáng lấp lánh. Sư thầy ngạc nhiên, nhìn chằm chằm vào tay của Tony. Ông cất giọng “ ta muốn hỏi, thật sự con là ai?”. Tony chưa biết trả lời thế nào thì ông hỏi, “con là người Việt Nam sao lại có Mèn Ten Bảo trên người thế kia”….


( còn tiếp)

Chuyện ông Park

Chiều qua ngồi nhậu trong quán lẩu cua đồng Thị Nghè, thấy bàn bên là mấy cậu mặc đồ công sở và ngồi tâm sự, chắc mới đi làm về. Bản chất nghe lén của Tony bỗng dưng trỗi dậy, cũng tại mấy cậu nói to quá. Một cậu than thở dạo này công ty tao đủ chuyện hết. Khách hàng nợ dây dưa không trả, rồi nhiều sự cố nên cả công ty ai cũng mệt mỏi, tao cũng buồn. Thằng bên cạnh chửi nói mày ngu quá, mắc mớ gì căng thẳng, chuyện công ty là của công ty chứ có phải của mày đâu. Nó mà không trả lương đầy đủ thì mày mới lo.

Một cậu khác nói tao lớn tuổi nhất ở đây, tụi mày phải nghe. Việc thằng H buồn chuyện công ty như vậy là sai. Chuyện của họ để họ giải quyết, nhắm không ổn là nghỉ việc ngay. Như ở ngân hàng của tao nè, dù có 10 việc ngày hôm đó, nhưng tao làm 5 việc thôi, để dành 5 việc kia bữa sau làm tiếp. Chứ làm hết rồi mấy ổng thấy làm nhanh quá lại giao việc nữa. Ông sếp trực tiếp tao mắt mũi như cú vọ, cứ nhìn nhìn coi ai rảnh là giao việc. Nên tao làm gì cũng kéo dài ra thiệt lâu. Làm cho lắm cũng mấy ông trong hội đồng quản trị ngân hàng giàu chứ tao vẫn vậy.



Cậu còn lại gật gù, khuyên thôi mày cứ nộp đơn chỗ khác đi. Gửi nhiều chỗ vào. Cái cậu H mới phân bua, nói tao là nhân viên chứng từ đâu có ra ngoài được mà đi phỏng vấn. Cái 3 đứa kia chửi ngu tiếp, nói thì mày kiếm lý do gì đó trốn ra. Giả bộ nói mẹ bệnh phải đưa đi khám bác sĩ. Hay sáng đó mày nói nhức đầu tiêu chảy gì đó không lên văn phòng được. Thật thà cha dại, trốn tìm cơ hội tốt hơn. Nhắm không kiếm chác gì được ở đó thì chuồn. Cậu H nghe và có vẻ xiêu xiêu theo. Rồi cả bốn cậu đều cụng ly dzô dzô. Sống trên đời này, phải lo trước cho mình, đó là sự khôn ngoan - cậu lớn tuổi nhất khuyên bảo cả nhóm.

Tony chợt nhớ lúc còn đi học, vào lúc nghỉ hè, Tony vô một xí nghiệp may mặc của Hàn Quốc ở Bình Dương, xin thực tập không lấy lương để quen việc xuất nhập khẩu. Lúc đó nhà máy cũng bị lâm vào khó khăn tài chính, khủng hoảng tài chính 1997 thì phải, tới tháng thứ 3 thấy công ty vẫn không trả được lương. Ông giám đốc người Hàn tên Park có họp và nói mọi người thông cảm, ráng gánh gồng giùm cho ổng vì hàng không xuất được, bên Hàn Quốc không cho ổng vay tiền nữa vì thắt chặt tài chính theo đơn thuốc của IMF. Tony thấy xe hơi ổng cũng bán, vợ con thì về nước hết, hằng ngày ổng đi lên nhà máy bằng xe ôm. Bình thường ổng cầm theo cái cà mèn ( cặp lồng), vợ ổng nấu cơm kiểu Hàn cho ổng mang theo, giờ vợ con về quê hết nên buổi trưa ổng ra trước ăn dĩa cơm bụi có mấy ngàn đồng như công nhân. Nhưng chỉ có vài nhân viên còn trẻ như Tony là thương ổng, mấy anh mấy chị lớn chửi quá trời. Nói mắc mớ gì thông cảm, tụi này cũng cần tiền để sống vậy. Ổng làm chủ công ty thì phải có tiền chứ, không có tiền thì đừng có qua đây xây nhà máy, đừng có làm ăn. Một buổi sáng nọ, Tony vô công ty và không thấy chị trưởng phòng XNK tên Đài đâu cả, cái Tony mới gọi điện về nhà hỏi thì chị Đài nói tao nghỉ việc rồi. Tao cầm cái máy fax và mấy giấy tờ quan trọng của công ty về nhà coi như siết nợ, mày nói với ông Park có trả lương tao thì tao mang lên trả.

Ổng thương nhân viên người Việt ghê lắm, nhất là chị Đài, người được ổng đào tao từ lúc mới ngáo ngơ ra trường. Sáng đó ổng kêu Tony giúp ổng gửi cái công văn này cho một công ty Hồng Công. Tony đọc thấy hợp đồng bán thanh lý toàn bộ nhà máy. Ổng kêu chị Lan kế toán vô, bảo các bạn mai không cần phải đi làm nữa, tuần sau lên nhận lương, công ty sẽ không nợ ai một đồng nào, bù cho mỗi người 1 tháng lương để đi tìm việc mới. Ổng nói xin lỗi, nói làm chủ mà không lo được cho mọi người, rồi nói gì dài lắm, tiếng Anh giọng Hàn cứ xí xô xí xào, nghe bắt mệt. Cái thôi, Tony lật đật đi làm việc ổng giao.

Khổ là cái máy fax bị chị Đài lấy mất rồi nên không gửi qua Hồng Công được. Mới vô báo ổng, cái ổng chưng hửng nói ủa máy fax sao cũng lấy. Ổng bảo thôi mày ra bảo vệ mượn xe máy ra bưu điện gửi fax cũng được, ổng đưa Tony 200 ngàn. Hồi đó chưa có email, làm gì cũng đánh máy, in ra rồi gửi fax, một trang cả mấy đô, mắc lắm. Tony chạy ra cổng nói anh bảo vệ cho em mượn xe của anh chút, em ra bưu điện Sóng Thần rồi về ngay. Anh bảo vệ nói đi vậy tiền xăng ai chịu, tao đâu có ngu. Tony chạy lên phòng nhân sự hỏi mấy người mà không ai chịu cho mượn, nên lại vô phòng báo cáo ông Park. Ổng giật mình ngồi một lúc thì hiểu ra, lục lọi hết trong túi quần túi áo, đưa Tony thêm đâu khoảng một trăm ngàn, nói đi xe ôm đi cho nhanh. Tony xong việc đem hợp đồng và tiền thừa về trả lại cho ổng. Vô phòng giám đốc không thấy ổng đâu, mới chạy đi tìm. Thấy ổng đứng ngoài gốc cây phía sau xưởng hút thuốc, mắt đỏ hoe…

Hôm bữa Tony tình cờ gặp chị Lan, kế toán cũ. Chị Lan nói ông Park vẫn giữ liên lạc với chị đến bây giờ. Sau khủng hoảng ổng cũng có gầy dựng lại một cái nhà máy mới bên Campuchia. Chị mấy lần rủ qua Việt Nam chơi nhưng ổng nói thôi tao không quay lại nơi đó đâu, nhớ kỷ niệm xưa buồn lắm.

Chị Lan nói ông Park không nhớ tên em, nhưng nói nếu có gặp thì cho tao gửi lời hỏi thăm cậu sinh viên cao cao ốm ốm, hồi xưa hay đi gửi công văn giấy tờ. Chị nghĩ là ổng nói em đó

Chuyện thằng Quân ( tập 2 )

...Cái anh em bày thịt gà rồi lấy bia ra uống. Cô bạn gái đi theo Quân tên là Loan, nhà giàu lắm nha, có mấy chục hecta trồng cà phê ở Di Linh. Cái Loan tốt nghiệp ngành bưu điện viễn thông nhưng làm ở công ty du lịch. Gia đình mua cho cái Loan một cái nhà to đùng ở Phú Nhuận nhưng Loan không ở, nói em cho thuê một tháng cũng kiếm được 20 triệu. Còn em đi 1 cái phòng trọ gần chỗ làm, tháng 2 triệu thôi. Nó nói nhà to quá em ở 1 mình cũng sợ, lại lãng phí nên tính vậy gọn hơn. Tiền hàng tháng tích lũy được, lương thưởng cũng tằn tiện, để vài bữa nữa em đi du học tự túc chuyên ngành quản lý du lịch ở Thụy Sĩ. Em đam mê ngành du lịch anh à. Quân nói nếu Loan đi Thụy Sĩ thì Quân cũng sẽ tìm cách đi tu nghiệp ngành xây dựng bên Đức, có gì cuối tuần chạy qua núi An Pơ nấu cơm y chang như bây giờ nghen. Hai đứa cười tươi như hoa với kế hoạch du học của mình, thấy thiệt dễ thương.



Nhìn cái Loan, Tony ưng mắt lắm. Vì thấy con gái mà biết vun biết vén ( một số bạn gái cũng chỉ biết vén mà không biết vun), nhà giàu mà tiết kiệm thì là đứa rất hay ho, nên ra hiệu nói 2 đứa em là một đôi rất tuyệt, anh duyệt. Cái Loan nói gia đình em cũng giới thiệu em nhiều mối, con trai bây giờ phần nhiều lười biếng nhớt thây anh ơi. Đàn ông gì mà bóng điện hư không biết sửa, cái toilet hư cũng kêu thợ, suốt ngày chỉ biết cà phê nhậu nhẹt với facebook game online, chả biết làm gì. Em quen với anh Quân vì thấy ảnh chỉn chu, chiều chủ nhật em hay qua nhà trọ của ảnh rồi nấu cơm ăn, thấy rất ngon lắm. Hèn gì thấy 2 đứa làm đồ nhậu mà khéo tay, thịt gà chặt miếng nào miếng nấy đều nhau, có miếng da phủ ở trên chứ không tan nát như Tony chặt.

Bữa đó, có anh Phương anh Tú, chị Thảo cũng là bạn của gia đình Tony nữa. Mấy bạn này cũng gần nhà nên có nhậu là gọi qua. Tony ghét nhậu ngoài quán, vì ồn ào, xô bồ. Vô quán gọi toàn đặc sản chứ có ăn được đâu, cứ 3 phút là cầm ly lên cụng 1 lần. Ở nước ngoài, người ta vô cụng 1 lần, rồi thôi, ai uống thì tự đưa lên miệng uống, chứ không có cụng hoài như ở ta. Vừa gắp miếng ăn đưa vào miệng, chưa kịp nhai đã cụng. Rồi màn cuối là cùng nhau vô trong toilet, có chỗ ghi rõ là “ bồn ói”, nôn thốc nôn tháo ra hết mọi món ngon vật lạ. Hồi xưa Tony đi làm sale, ông sếp dặn mày đi nhậu với khách hàng, nửa chừng mày giả bộ bỏ vô toilet, móc họng ra ói hết, rồi ra tỉnh táo nhậu tiếp nha. Tony chẳng bao giờ nghe lời, uống được bi nhiêu thì uống. Ai nói mặc kệ. Chớ mắc mớ gì mà phải khổ sở và lãng phí vậy?

Uống bia uống rượu thì theo sở thích, theo tửu lượng chứ khích bác, nói này nói kia mần chi. Tony thấy ai mà ép ép kiểu đó, đứng dậy trả tiền rồi bỏ về luôn. Các bạn trẻ nghe lời Tony, không phải nghe theo mấy câu khích tướng đó rồi uống như điên như khùng. Và mấy thằng ép rượu cũng là mấy đứa nhảm nhí, mối quan hệ đó cũng chẳng cần phải đầu tư làm gì mà phải ngại ngùng cả nể, dẹp cho xong. Khích tướng để làm ra tiền, để giàu có sang trọng, để văn minh đẳng cấp, để tử tế giỏi giang thì còn được, còn ép nuốt cồn vào bụng, thì thôi, unfriend.

Văn hóa công sở ở đô thị Việt Nam bây giờ là thế, nhìn thấy chán. Tan giờ làm là đi nhậu. Buồn cũng nhậu. Vui cũng nhậu. Không buồn không vui cũng nhậu. Sao không đi tập gym, tập thể dục thể thao, chơi tennis, chơi cầu lông, đi bơi, đi hạc thêm ngoại ngữ, đi hạc nhảy, đi thăm bạn thăm bè, về nhà nấu ăn đọc sách dọn dẹp nhà cửa giúp đỡ người nhà? Riết thành thói quen, 5h chiều shut down máy là vọt đi. Vô nâng ly toàn nói mấy chuyện chính sự linh tinh, chém gió ào ào, say xỉn rồi phóng xe máy đảo qua đảo lại trên đường. Lương bổng có bi nhiêu đâu mà tối nào cũng ra quán, vừa tốn tiền, vừa mệt người, bữa sau dậy đâu có nổi. Bụng đứa nào mới hai mươi mấy tuổi mà đã phệ xuống, mặt mũi thì nhàu nát, bủng beo. Sức khỏe, trí tuệ gì cũng không có. Muốn nhậu nhẹt gì thì nên cuối tuần tổ chức ở nhà bạn, uống 2-3 chai cho nó hưng phấn, còn nhắm bữa nào muốn say túy lúy thì chơi uống rượu luôn, rồi ngủ lại đừng đi về nguy hiểm xe cộ.

Trở lại bữa nhậu hôm đó, mấy anh em vừa uống bia, ăn thịt gà, vừa bàn chuyện thơ chuyện văn hào hứng lắm. Một lúc Quân nó ngà ngà say, mới nói anh Tony à, em biết ơn anh lắm. Về câu hỏi anh cho em hôm trước, em về suy nghĩ kỹ rồi, sứ mạng của cuộc đời em là một bài hát. Để em hát anh nghe. Nói rồi nó cất giọng vang vang:

“Làn gió thơm hương đêm về quanh khu nhà tôi mới cất xong chiều qua
Tôi đứng trên tầng gác thật cao, nhìn ra chân trời xa xa
Từ bao mái nhà đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm muôn vì sao sáng
Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu, nghe máu trong tim hoà niềm vui lâng lâng lời ca”

Rồi cái Loan cũng góp giọng

“Loan ơi, Quân còn đi xây nhiều nhà khắp nơi
Nhiều tổ ấm sống vui tình lứa đôi
Lòng Quân thấy càng thương nhớ em
Dù xa nhau trọn ngày đêm, Quân càng yêu em càng hăng say. Xây cho nhà cao cao mãi”

Biết là bài “Những Ánh Sao Đêm” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, vì hẻm thuộc lời nên Tony lật đật vô phòng ngủ lấy Ipad ra mở lời để cùng nhau ca. Mấy người bạn của Tony cũng lấy Iphone ra search lời bài hát, rồi biến thành tốp ca nam nữ. Đang hát, 2 người cạnh nhau sẽ nhìn nhau cười 1 cái hoặc lấy tay chỉ 1 chỗ nào đó rồi cùng nhìn, giống như trên sân khấu văn nghệ sinh viên ngày xưa vậy. Hát xong, thấy cái Loan gục nhẹ đầu vào vai Quân, nhìn đẹp đôi quá nên Tony mới nói, vài bữa tụi bây cưới nhau, tao đi đám cưới 1 cây vàng…
( còn tiếp)

Tony Tèo : " Tôi chưa hề dao kéo"

1. Một bữa, Tony tung ra chính sách khuyến mãi, mua 1 số lượng phân bón nhất định của hãng Phượng Tím sẽ đưa đi Hàn Quốc giải phẫu thẩm mỹ. Các công ty phân bón khác ngỡ ngàng, trở tay không kịp. Đâu chừng 1 tháng sau, doanh số đạt được hết sức nhanh chóng. Các đại lý ở khắp cả nước nô nức tiêu thụ. Các chủ đại lý mà là phụ nữ thì ra sức o ép đại lý cấp 2 hay nông dân dùng phân của Tony, nói phân này tốt lắm nè, giá rẻ nè. Các bà vợ của các nam đại lý thì khóc lóc, lăn lóc nằm vạ, ép mấy ông chồng đẩy nhanh doanh số. Nói ông có còn thương tui thì bán phân giùm thằng Tony đi. Thế là các ông ra tay o ép, nông dân trồng hoa ngơ ngác tới hỏi, anh ơi em đang trồng hoa, có loại phân nào tốt cho hoa, mấy ổng ép ngay lấy loại phân này của Tony nè, về mới biết đó là loại phân giúp tốt lá. Nên bón xong, lá xanh rì, hẻm có cái bông nào, nông dân ngồi khóc quá chừng. Còn trồng rau ăn lá thì bị ép dùng loại chuyên làm to củ, nên xà lách khai thác lên cứ ngỡ khoai tây, rễ một đống. Nông dân cả nước hăng hái thi đua xài phân của Tony dưới sự giúp sức của hệ thống đại lý rộng khắp. Thiệt là bá đạo, đúng là đi hạc Ha Vợt về, các cty phân khác cạnh tranh sao lại.

Thật ra thì các mẹ, các chị ấy thiếu gì tiền...để phẫu thuật thẩm mỹ, ở Sài Gòn hay Thái Lan là vô tư, nhưng đi tận Hàn Quốc và có người theo làm phiên dịch, lại có óc thẩm mỹ để tư vấn như Tony thì các mẹ các chị yên tâm. Cơ hội ngàn năm có 1. Đâu 2 tháng sau thì Tony dắt đoàn đi, khoảng 15 chị, Bắc Trung Nam đủ cả. Tony như gươm lạc giữa rừng hoa. Người cao nhất khoảng 70 tuổi và người trẻ nhất khoảng 20 tuổi. Tất cả để hào hứng, dồn về SG để đi Hàn Quốc.



À kể vụ làm visa trước đã. Vì các chị ấy đi Hàn Quốc lần đầu nên phải lên xếp hàng cho lãnh sự coi mặt phỏng vấn, mới cho đi. Ké Tony dắt họ lên. Chu cha nó đông hết biết. ( Nó ở đây là cái lãnh sự quán). Cả đoàn dài xếp hết cả vỉa hè đường Nguyễn Du. Tony cao lòng ngòng, đứng vượt trội giữa 1 hàng phía trước và 1 hàng dài phía sau, toàn phụ nữ, phần lớn ở quê lên, mặc quần áo xanh đỏ tím hường, quánh kem Bông Lúa cái mặt trắng thiệt trắng nhưng cái cổ đen thui, tay cầm cái hộ chiếu vân vê. Một đoàn xếp hàng song song toàn thanh niên nam giới, gương mặt ngơ ngác, mặc áo công nhân đồng phục, đội mũ trắng có chữ Suleco gì đó, chắc đi theo diện xuất khẩu lao động. Các khách hàng của Tony từ từ tiến vào khu vực làm visa. Chị Năm ở Bạc Liêu xếp đầu tiên, chị ấy năm nay 70 tuổi, vì già cả nên ưu tiên xếp trước. Tới khu vực tấm kính chắn để hỏi phỏng vấn thì thấy 1 nhóm nhân viên lãnh sự bu lại bàn tán. Rồi cả phòng chờ mọi ánh mắt đổ dồn về phía chị Năm. Chỉ chỉ trỏ trỏ. Lao xao bàn tán. Thấy nhân viên lãnh sự hỏi 2 3 lần mà chị vẫn không trả lời được, nên Tony mới nhảy lên trợ giúp. Cô nhân viên người Hàn Quốc hỏi bằng tiếng Việt lơ lớ, anh hỏi giùm bà ấy là động cơ nào khiến bà ấy tới tuổi này mà còn đi xuất cảnh? Tony ngơ ngác, nhìn lên trên mới thấy dòng chữ dán trên tấm kính "lấy chồng Hàn Quốc, nộp tại đây".

2. Rồi nửa đêm cũng ra sân bay để đi Hàn Quốc. Chuyến bay của Air Korea. Chu cha mấy tiếp viên nữ đẹp hết biết. Ăn nói vui vẻ, cả đêm cứ bưng cái khay nước đi qua đi lại, ai uống gì thì lấy uống. Đoàn Tony đến nơi thì trời đã sáng, lạnh teo bugi. Đưa về khách sạn để nghỉ ngơi.

Chiều thì cả đoàn đến bệnh viện thẩm mỹ để khám. Tới nơi mới thấy người Việt Nam, Trung Quốc, Philippines....quá trời, đứng ngồi lố nhố. Bắt gặp mấy cô ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam cũng ngồi chờ đến lượt mình. Hèn gì lên báo nói giải nghệ hay vắng mặt 1 thời gian, thực ra là đi Hàn Quốc sửa sắc đẹp.

Cái xong cái bác sĩ gọi vô. Chụp hình để lấy gương mặt và họ sẽ chỉnh sửa qua máy vi tính trước. Các hình người đẹp quốc tế treo khắp nơi, để khách chọn kiểu. Có cả các ngôi sao Việt Nam nữa. Kiểu Triệu Vi, Kim Nam Joo và Phạm Băng Băng là các kiểu được các chị thích nhứt. Nhưng phải ở lại cả tháng, vì gọt xương nó mới có cái cằm nhọn, nên các chị chọn giải pháp sửa nhẹ thôi. Cánh mũi người Việt ai cũng to, do đó thu gọn lại là rất phổ biến. Độn lên 1 chút. Mắt 2 mí rồi nên chỉ mở rộng và dài ra. Gắn thêm lông mi và lông mày dài đến thái dương cho nó lá liễu. Đôi môi phải chín mọng, bĩu ra cho nó khinh đời. Răng thì veneer 1 lớp để trắng sáng lấp lánh, 2 cái khểnh 2 bên cười cho đẹp. Hút mỡ để thu hẹp cái nọng dưới cằm. Da dày quá thì mài cho nó mỏng. Nếu bị mụn thì sẽ phải xử lý mụn 1 ngày với máy hút chân không. Mặt thịt chằm dằm hay ú nu sẽ được tùng xẻo bớt để thanh tú. Móc 1 cái hố bên má để lòi núm đồng tiền. Theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc, mặt càng nhỏ càng dài càng đẹp.

Các bác sĩ cũng làm theo ý mình, mắc hơn chút. Muốn giống ai thì lên mạng download hình về, họ sẽ làm y chang. Chị Năm Bạc Liêu nói làm cho chị cái mũi giống Hồ Ngọc Hà đi. Chị chỉ thích cái mũi vậy thôi. Nên chị này làm nhanh nhứt, 1 buổi chiều tiểu phẫu, về nằm khách sạn 2 ngày rồi qua bệnh viện gỡ bông gòn ra, coi như xong. Cái mũi châu Âu trên gương mặt châu Á nhìn rất lạ. Chị Hồng Củ Chi thì đòi kiểu Nhị Hà, tức cái mũi Hà Hồ và cái miệng Hà Tăng, nên làm mất 1 ngày. Có chị Tuyết Thu ở Hải Dương là phức tạp nhứt vì chị ấy đòi phải hơn mấy người kia. Tony thì hết biết người nổi tiếng nào tên Hà nữa, nên phải lên mạng search rồi hỏi mấy đứa nhỏ. Cuối cùng, cũng làm được cái Ngũ Hà cho chị, thêm cái cằm của Trần Thu Hà, đôi mắt của Quang Hà và vầng trán của... Vũ Hà. Nên bác sĩ làm hơi khó, cả tuần mới xong.

Mấy chị nói thôi để mấy chị hùn tiền lại cho Tony vô làm cái gì đó, sẵn ngồi đợi làm luôn đi em. Cái Tony vào kiểm tra, nó chụp hình ở cả chục góc độ, rồi vẽ đồ thị phân tích đạo hàm tích phân gì ghê gớm lắm, rồi nói thôi khỏi, gương mặt mày thanh tú quá rồi, các tỷ lệ hợp lý quá rồi, can thiệp bằng dao kéo sẽ hỏng vẻ đẹp trời cho. Đúng là trung tâm thẩm mỹ có lương tâm và mấy ụ pa này có trình độ thẩm mỹ cao. Nên chỉ ra ngồi chợ Dong Daemun mua sắm và ra Gang Nam nhậu với mấy thằng đệ, chờ mấy chị ấy xong thì dắt về.

Xong về VN. Nhân viên hàng không người Việt bên sân bay Hàn Quốc hẻm cho lên máy bay. Ủa nói đoàn ca sĩ hải ngoại này đi về nước hát sao hẻm có giấy phép biểu diễn, VN không cho nhập cảnh đâu nha. Họ tưởng mình là bầu sô, thấy ôm giỏ tiền đô la và kem phấn giùm cho mấy chị ấy. Dân du lịch, du học sinh và lao động xuất khẩu bu lại xin chữ ký. Nó chỉ trỏ chị Năm Bạc Liệu nói ủa có phải Hà Hồ kia không, sao ở ngoài nhìn già quá héng. Hay chị Hồng Củ Chi thì tụi nó nhầm với Hà Tăng, còn thì thầm
nói ủa sao bữa nay béo quá. Nhân viên check in thì không chịu làm thủ tục, nói hình trong hộ chiếu với ngoài đời khác nhau quá. Tony phải giải thích hết lời, nói đây không phải là đoàn ca sĩ đâu, đại lý bán phân cả đấy. Có giấy của bệnh viện thẩm mỹ nè. Họ hổng tin, nói bán phân sao đẹp vậy, còn bắt hát nghe thử. Các chị bèn hand-in-hand tốp ca ngay bài "Hát về cây lúa hôm nay". Rất tha thiết. Và cả sân bay Incheon, hành khách lẫn nhân viên hàng không, đều ói xanh mặt.