Cafe buổi sáng cùng Tony

Tập hợp các câu chuyện thú vị của Tony buổi sáng (TnBS).

Phỏng vấn xin việc

Rất đông sinh viên bây giờ có 2 cái nghiệp là tốt nghiệp và thất nghiệp. Nghịch lý là doanh nghiệp nào cũng than thở là tìm không ra nhân viên giỏi. Cung và cầu đều rất lớn, nhưng sao không gặp nhau?

Các bạn sinh viên nên coi lại mình. Sức lao động là 1 loại hàng hóa đặc biệt, và lương chính là giá cả của hàng hóa đó. Nên hàng tốt giá cao và ngược lại. Có hàng bán chạy cũng có hàng tồn kho. Nên mỗi bạn phải tự thay đổi, để chất lượng tốt, mẫu mã đẹp mới dễ bán. Vì sức hàng hóa là sản phẩm có thể thay đổi theo quyết tâm của mỗi cá nhân. Tập thể dục thể thao cho cơ thể tráng kiện. Hớt tóc gọn gàng, ăn mặc sạch sẽ thơm tho để ngoại quan dễ coi 1 chút. Rồi chăm chỉ đọc sách, học ngoại ngữ, đọc báo tin tức kinh tế xã hội, tăng cường kỹ năng giao tiếp. Cần gì phải lên trung tâm, không có tiền thì học kiểu không có tiền. Mở internet ra, gì không có. Vô youtube.com, tha hồ giọng Anh giọng Mỹ. Lên các nhà văn hóa thanh niên tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, các nhóm này nhóm kia, chạy bộ ở công viên, chạy trước nhà trọ, chạy trong phòng cũng được. Làm thêm chẳng từ việc gì để cọ xát thực tế. Ngày xưa, từ năm 2 năm 3 là Tony và các bạn cùng trang lứa đã làm thêm đủ nghề, từ phục vụ bàn, mở cửa ở khách sạn, tiếp thị, điều tra thị trường, bán hàng…vừa có tiền vừa có kinh nghiệm. Và bữa phỏng vấn chính là bữa GIỚI THIỆU và ĐÀM PHÁN BÁN HÀNG HÓA SỨC LAO ĐỘNG, nên phải chuẩn bị chu đáo.



Có hàng hóa tốt rồi tổ chức rao bán khắp nơi, ở Hà Nội hết việc thì đi Đắc Lắc. Tụi Tây tụi Nhật, nhà giàu gấp mấy lần mình mà vẫn đi châu Phi làm việc có sao đâu. Đời người như cái đồng hồ cát, maxium 100 năm, 1 ngày sống là 1 ngày mình càng gần đến cái chết, mắc mớ gì mình lành lặn chân tay, biết đọc biết viết mà sáng ngủ dậy, rồi ăn, rồi ngủ, rồi hết ngày, uổng vậy. Đừng đổ lỗi cho ai. Đâu có thể thay đổi chương trình giáo dục, cũng đâu có thể thay đổi thầy cô, chỉ có 1 giải pháp duy nhất là TỰ THAY ĐỔI MÌNH. Giờ các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tư nhân...không quan tâm tốt nghiệp trường nào cả, qua được bài test IQ, EQ, kiến thức xã hội và tiếng Anh là vô làm. Còn giỏi nữa thì xuất khẩu qua nước ngoài làm việc. Không thì mở cái gì đó tự làm. Bỏ mấy trăm ngàn làm vốn, xuống ngoại thành mua rau về đầu hẻm ngồi bán cũng được vậy. Hỏi lý do thất nghiệp, đụng cái đám vớ vẩn này là tụi nó đổ thừa xoen xoét. Tại nền giáo dục, tại thầy cô, tại cái trường, khởi nghiệp làm gì có vốn, thất nghiệp vì không có quen biết lớn, không ai xin cho mình đi làm….toàn lý do của người khác chứ không bao giờ nói TẠI MÌNH. Nên các bạn gặp đám này, nói thẳng luôn: thất nghiệp là tại mày LƯỜI chân tay và LƯỜI động não.

Tony phỏng vấn nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và thấy buồn. Điều kiện học tập tốt hơn, sao chất lượng của hàng hóa sức lao động lại xuống? Kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề, giao tiếp, tâm lý....phần lớn đều không bằng xưa. Hệ thống giáo dục ư, Tony và các bạn thế hệ Tony cũng đào tạo từ các nhà máy ấy. Phương pháp đào tạo ư, thậm chí các bạn bây giờ có phương pháp đào tạo tiên tiến hơn. Internet phổ cập, giáo trình kinh doanh trường Harvard hay ĐH Cà Mau đều giống nhau cả. Vậy tại sao lại dở hơn xưa?

Bèn tự mình giải thích. Có thể do kinh tế gia đình bây giờ cũng đủ đầy nên chu cấp cho con cái khá nhiều, làm triệt tiêu khả năng phải làm việc để tồn tại của 1 số bạn. Có nhiều bạn kể với Tony, tốt nghiệp xong, em đi làm cũng được mà không đi cũng được, tháng nào cũng có mấy triệu gia đình gửi lên xài. Nên thái độ với công việc không tốt vì không có áp lực và đam mê. Tony có lần hẹn phỏng vấn bạn kia, đọc lý lịch thấy bằng cấp rồi ngoại ngữ tin học, tham gia hoạt động xã hội đều tuyệt vời, thế là hẹn 2h chiều hôm sau lên phỏng vấn. Ngồi đợi đến 3h không thấy đâu, sợ cậu ấy bị sự cố gì đó nghiêm trọng nên không gọi lại hủy cuộc hẹn được, mới điện hỏi ai dè nó nói anh ơi em quên mất. Giờ em đang ngủ trưa, có gì mai em lên được không? Dạ được, anh Hai.

Có cô bé kia tốt nghiệp loại giỏi, phỏng vấn đã đời vào làm được 2 ngày thì lấp ló vào phòng Tony. Mình hỏi có việc gì hem, nó nói em xin nghỉ vì công việc ở đây không phù hợp. 'Em tốt nghiệp về quản trị mà đi làm lính như thế này, má em biết má em mắng chết. Em phải làm công việc đúng chuyên môn đào tạo là 1 nhà quản trị chiến lược". Dạ, thôi em về kêu má em mở công ty rồi em ngồi quản trị chiến lược cho cái công ty ấy đi, chứ ở đây chỉ có mình anh làm việc đó thôi, em đòi làm thì anh thất nghiệp sao.

Rồi hồ sơ xin việc sơ sài bắt ớn. Đâu cái đơn mua ngoài cửa hàng tạp hóa, viết vài chữ ở chỗ chấm chấm chấm. Rồi giấy khám sức khỏe cái chi cũng 10/10, cứ như bác sĩ tặng không. Rồi thấy ghi “kính gửi công ty phân bón Phượng Hồng” mang đến nộp, mình nói đây là công ty Phượng Tím em à, nó cãi Phượng Hồng. Mình nói ủa công ty của anh thì anh phải biết chớ, tên là Phượng Tím. Nó cãi 1 hồi thấy không xong nên nói thôi để em sửa lại, miệng lầm bầm nói Phượng Hồng không đặt, đặt Phương Tím nghe lúa thấy mẹ (mình đoán được, Tony vốn bậc thầy trong nghệ thuật nhép miệng đoán chữ). Có đứa đi phỏng vấn còn dắt theo 1 đám bạn ngồi lao nhao ngoài cửa, mình hỏi xin vui lòng cho biết ai đang xôn xao ngoài đó, nó nói dạ đám bạn thân của em. Mình hỏi, ơ mang theo chi vậy, nó nói tại tụi em đi chung cho vui. Lỡ anh không chịu nhận em thì em giới thiệu đứa khác vô liền cho anh coi. Ôi dễ thương quá.

Thời gian toàn là facebook với chat chit, vậy mà đơn xin việc nào cũng ghi sở thích là “đọc sách và thể thao”. Cái mình hỏi, thấy bạn ghi sở thích là đọc sách, thế chẳng hay cuốn sách bạn đang đọc có tựa đề gì. Nó bị bất ngờ, và vì nói xạo nên ấp úng một hồi rất lâu rồi trả lởi "Dạ, cô giáo Thảo". Đó là tất cả nó biết về văn hóa đọc. Còn thể thao, em đang chơi môn thể thao nào vậy. Nó nói dạ em hay quánh bida độ vào buổi tối. Thỉnh thoảng cũng có đánh bài như tiến lên xập xám phỏm bài cào. Cũng vận động tay mắt rất kinh anh à.

Ừa, thấy em hay quá, anh sẽ nhận em.

Đi chơi với đại gia

Để kiếm tiền, Tony đi làm con buôn, đối tượng bị gắn liền với thành ngữ "con buôn ép giá", đùng một cái, mọi người nói mày là doanh nhân. Tony ngơ ngác hỏi có thiệt hem mậy? Niềm vui giống như con hát bị vua Tự Đức mắnglà xướng ca vô loài, bỗng dưng được gọi là ca sĩ. Cái lên mạng search, đọc các tài liệu nước ngoài, mới hay nước mình làm gì có doanh nhân, chỉ có nhóm người tự nhận và 1 nhóm trông giống giống mà thôi. Nên nghe ai nói tôi là doanh nhân, nghe buồn cười không chịu được. Hôm bữa gặp chị kia nhìn quen lắm, trang điểm mắt môi lem luốc, vú móm lòng thòng, nói chị là nữ doanh nhân nè em, vì chị mới mở công ty kinh doanh thực phẩm. Ủa Tony nói sao em nhớ chị bán xôi mà. Chị ấy mắng ngay. Kinh doanh xôi, cháo lòng, bánh cuốn...trong hẻm nhà chị đều lên thành công ty kinh doanh thực phẩm. Mấy ông xe ôm lên đời thành " kinh doanh vận tải công cộng", mấy cò đất biến thành " công ty bất động sản". Nên tụi chị phải gia nhập hội doanh nhân, là 1 nhóm người biết mặc vét, đi xe hơi và có đi quánh golf, phải thuê chứ tiền đâu em. Rồi bỏ tiền đi học sang nữa, khổ thế. Hôm bữa có tham dự hội thảo nói về 3 kịch bản bất động sản, Tony thấy mấy anh ngồi họp ở khách sạn 5 sao mà kéo quần lên đầu gối cho mát. Đang đứng phát biểu, điện thoại reng là a lô và nạt nộ qua điện thoại như chốn không người. Hoá ra, anh dặn người nhà cứ 5 phút gọi 1 lần rồi cúp máy, để ổng tự thoại, cho người ta thấy là mình nhiều việc. Có bữa đang độc thoại, điện thoại lại reo vang.



Rồi Tony cũng hay đưa mấy the so-called doanh nhân hay còn gọi là đại gia ấy đi ngoại quốc vì mình biết nhiều ngoại ngữ, thông thạo đường đi nước bước. Ở trong nước thì kẻ hầu người hạ, lên xe xuống ngựa quen nên đi ngoại quốc (mấy nước phát triển), họ theo không nổi. Không đi thì lúc trà dư tửu hậu không có gì để khoe, nên cực chẳng đã. Ở nước ngoài, cực nhất là khoản từ ga tàu điện đến chỗ cần đến, thường phải đi bộ. Thế là các anh kêu mỏi chân, chê bai là hẻm bằng Việt Nam. Nhưng rút ngắn lịch trình thì không ai chịu, phải tới cho bằng được chỗ nổi tiếng đó để chụp cái hình (các cty du lịch ghi chi chít điểm tham quan mới bán được tour là vì vậy). Nhu cầu khoe cao hơn nhu cầu tìm hiểu văn hóa lịch sử, nên Tony rút kinh nghiệm không thuyết minh chi cho mệt. Đi du lịch cốt để chụp hình, tụi Mỹ nó nói là Chinese-style tourism, tức du lịch kiểu Trung Quốc, hẻm biết vì sao lại gọi vậy nữa.

Một nhóm các doanh nhân đại gia Việt đi chung thì phải hết sức khéo léo, vì người nọ muốn hơn người kia ( anh A mua đồng hồ 5000 usd thì anh B sẽ phải mua 6000 USD để hơn A), nên việc tiết lộ giá tiền là điều không nên với người hướng dẫn. Rồi ăn uống, sẽ phải có nước mắm, chanh và ớt, dù là cao lương hay mĩ vị gì của Tây Tàu đều không hợp khẩu vị, nên vượt qua cửa ải hải quan để mang theo là điều phải làm. Đi sở thú, họ có thói quen khoe là tao đã kinh qua rồi mặc dù trong lòng cũng tò mò, năn nỉ 1 câu là gật đầu ngay. Ví dụ đi ngang qua chuồng hổ, đại gia Bình Dương sẽ nói nhà tao có nuôi, khỏi coi; đại gia Hà Nội sẽ nói tao có ăn thịt rồi, khỏi coi; hay đại gia Cà Mau (không muốn mình bị xem là cà chậm), sẽ nói, tao có uống... cao hổ cốt rồi, khỏi coi. Câu hỏi mà đại gia nào cũng cười ngây ngất là "chắc sếp đã ăn thịt con này rồi ấy nhỉ"

Thêm nữa là chuyện nhà và chuyện xe. Biệt thự và xe hơi là 2 trong 3 yếu tố quan trọng cấu thành nên đại gia Việt (yếu tố thứ 3 là chân dài-sẽ nói sau), nên các đại gia có sở thích là đi ngoại quốc rồi tranh thủ mua biệt thự cho con nó sang học, đi ngắm các siêu xe để ưng bụng thì " nói nó tính giá rồi giao về VN cho tao". Nên Tony đâu có muốn đi châu Âu đâu, ngồi máy bay mấy chục tiếng ê đít thấy mẹ, nhưng vì họ muốn đi Ba Lê coi tháp Ép Phen, rồi qua Luân Đôn coi đồng hồ Bit Ben, rồi qua Milan mua giày da bóp da, coi xe Phe Ra Ri, đi Thụy Sĩ coi cáp treo núi An Pơ...nên phải chiều. Cứ vô chỗ mua sắm thì câu đầu tiên là " sao cái này rẻ vậy", nói to nhằm người khác nghe thấy, rồi cầm lên ném xuống như mua cá ngoài chợ, dù ví da hay cái mũ nào cũng cả mấy ngàn Euro. Có điều " Á Á dạ dạ...em qua liền"

(mai viết tiếp, đang ở khách sạn, đại gia gọi qua phòng coi 他们今天买的东西 - đi lẹ sợ đại gia giận, quýnh quáng nên đang ở Ý mà nói lộn tiếng Tàu mới ghê)

Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt

Xưa, trong xóm của Tony xảy ra 1 vụ trộm. Tên trộm bị bắt, để ở nhà hương xá, mặt cúi gầm, cái áo bị xé thành sợi dây để cột 2 tay ở phía sau. Mấy ông thôn đang ngồi tra hỏi gì đó, còn dân chúng thì đứng bên ngoài bàn tán xôn xao. Tony cũng chen lấn đến coi mặt cho biết thằng ăn trộm, mặc dù nghe rất sợ. Đó là lần duy nhất Tony còn nhớ về trộm ở quê. Thời xưa, làng quê yên bình lắm, không có nạn trộm chó kinh hoàng như bây giờ.

Nếu như ăn trộm là hành vi có tính toán, thì ăn cắp cũng giống vậy nhưng nhẹ hơn, nên ít người để ý, xuề xòa cho qua. Khi đi học, quay cóp là chính là ăn cắp và lừa gạt. Ăn cắp kiến thức và lừa gạt thầy cô. Đáng tiếc hành vi ăn cắp này, lẽ ra phải LÊN ÁN VÀ RĂN ĐE, lại được bình thường hóa, thậm chí được thầy cô bao che vì thành tích của lớp, của trường. Sự không trung thực đã có sự luyện tập, ngay trên ghế nhà trường, nơi mà lẽ ra phải được đào tạo để thành người chân, thiện, mỹ ( TRUNG THỰC, TỬ TẾ, ĐẸP). Rất nhiều nền giáo dục như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…có quy định, khi nhập học, phụ huynh phải ký vào cam kết nếu con em mình ăn cắp kiến thức dưới dạng quay bài, sẽ bị đuổi học ngay lập tức.



Tony thì chưa bao giờ quay bài vì tính kiêu ngạo của mình, hẻm lẽ bàn tay này, ánh mắt này lại thụt thò, lén lút? Nhưng năm lớp 10, cũng vài lần bạn L ngồi bên cạnh quay môn Sử rồi đọc cho chép, sau đó thấy nhục, nên viết được gì thì viết, bao nhiều điểm cũng được, chả ai coi học bạ cấp 3 nếu mình đậu đại học. Lúc du học, Tony kể vụ quay phim với bạn bè ở nước ngoài, tụi nó ngạc nhiên vô cùng. Đối với phương Tây, học sinh quay cóp là hiện tượng RẤT RẤT cá biệt, xếp vào dạng tâm thần nhẹ, cần được giúp đỡ, bạn ở thể xem Mr Bean đi thi sẽ biết điều đó.

Nhưng nhiều khi chúng ta vô tình cổ xúy việc ăn cắp. Làm y chang bài văn mẫu là 1 dạng ăn cắp kiến thức. Lẽ ra chỉ đọc tham khảo, nhiều em đã bê nguyên xi. Học cao hơn, ăn cắp cả đoạn, cả luận án, cả quyển sách của người khác thành của mình mà không bỏ trong ngoặc kép hay ghi trích dẫn, thì gọi là đạo văn. Một tiến sĩ đạo văn trót lọt nói với Tony, chẳng có gì nhục nhã ở đây cả. Tiến sĩ vẫn cứ trong vinh quang nếu không bị lộ. Vì kiến thức có thể là giả, nhưng bằng cấp lại thật. Nghe mà muốn khóc.

Khi ra trường đi làm, tiếp tục ăn cắp. Thư ký ăn cắp giấy. Tiếp tân lấy điện thoại cơ quan gọi điện thoại chùa. Tài xế xe container chở hàng ra cảng, trên đường đi tấp vào chỗ nào đó, rút bớt ít hàng. Bán hàng thì nói to nói nhỏ để kiếm hoa hồng riêng, báo cáo công ty một đằng rồi chốt với khách hàng một nẻo. Còn lấy của công, người ta không gọi là ăn cắp mà gọi là tham nhũng, nhưng thật ra cũng là ăn cắp. Thậm chí ăn cắp thời gian để làm việc riêng, sáng 8h vô làm nhưng vô rồi đi ăn sáng, cà phê lang thang miết. Kết cục của mọi hành vi ăn cắp là cảnh không dám ngẩng lên kiêu ngạo với chính mình.

Người ta nói, ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt. Lỡ từng ăn cắp rồi, thì thôi, đừng ăn cắp nữa, bạn nhé. Rồi sẽ thấy nó kỳ kỳ thế nào. ÁNH MẮT ĐẸP ẤY KHÔNG NÊN LÉN LÉN, BÀN TAY XINH ẤY KHÔNG NÊN THỤT THÒ.

Cũng giống vậy, ngủ ngày thì quen mắt. Nếu bạn nghỉ trưa 1 chút thì được nhưng nếu ngủ dài quá cả tiếng đồng hồ thì biến thành ngủ ngày. Nói ra nhiều bạn cãi vì không quen. Nhưng nếu bạn từng đi làm ở nước ngoài hay làm công ty nước ngoài, sẽ thấy không ngủ trưa là bình thường. Công sở ở các nước phát triển, người ta chỉ take a nap chứ không phải sleep, họ tranh thủ 1h đó để tập thể dục, trò chuyện cà phê với bạn bè đồng nghiệp. Hôm bữa ngang qua 1 văn phòng rất sang trọng trong 1 tòa nhà, lúc đó khoảng 1h chiều, với bản chất tò mò của trai quê, Tony ghé mắt nhìn vô. Thấy bên trong có 3 thằng Tây và 1 chị chắc Sin hay Hàn gì đó vẫn ngồi làm việc, còn đâu chục nhân viên VN thì ngủ la liệt dưới đất, chăn ga gối đệm, mền mùng chiếu gối giăng đầy. Xoài xanh muối ớt dao kéo đầy bàn. Xa xa là 2 hộp cơm dang dở. Một số chị ngủ há miệng, nước bọt trào ra chảy xuống cổ, bệt vào tóc. Vài anh lâu lâu lại “ anh ơi vút lên 1 tiếng đàn”, vài chú thanh niên ngáy to như sấm dậy, đứng ở ngoài mà nổi hết gai ốc.

Rồi đúng 1h30, nhiều người vẫn ngái ngủ, tóc tai rũ rượi, lục tục đứng lên, vừa phủi đít đem mùng mền chiếu gối đi cất, kéo quần kéo áo. Và ngoài cửa, cả chục người khách đã xếp hàng chờ vô giao dịch từ rất lâu. Bật đèn rồi mở cửa. Khi khách đầu tiên bước vào, em tiếp tân xinh đẹp cười chào khách bằng 1 cái ngáp dài muốn sái quai hàm, trong miền Nam nói là muốn trẹo bản họng. Trên cằm vẫn mấy sợi tóc bị dính chặt vào da, do nước bọt trào ra lúc nãy.

P/S: Nghệ thuật viết văn đầu gà đít vịt, hẻm liên quan gì với nhau

Bệnh Cocky

Hôm đi đám cưới bạn M, bạn P chạy tới chào hỏi Tony khỏe không, P nè, nhớ hem. Mình chả nhận ra là ai nhưng phép lịch sự cũng trả lời phẻ. Nhưng thú thật, trao qua đổi lại một hồi, câu chuyện bạn nói mình theo không được vì không có trong ký ức. Cái bạn nói, tụi mình đều biết bạn, nhưng bạn thì không. Hồi đó bạn lớp A1, hất mặt lên trời, đâu có chơi với tụi A4, A5 này.

Cái mình mắc cỡ quá, nói hồi nhỏ ngáo ngơ, chảnh chọe, chứ giờ hết rồi, khiêm tốn và cầu thị lắm. Lật đật hỏi thăm bạn ơi giờ vô Sài Gòn làm gì ở đâu, xin số di động rồi email, add facebook, tỏ ra hết sức dễ thương.



Nói mới nhớ. Hồi nhỏ hạc ở trường làng, đâu lớp 3, trường chuyên ở ngoài thị trấn vô xã, coi trong làng có đứa nào mặt mũi sáng sủa bốc ra thị trấn. Hạc sáng hạc chiều nên cũng hẻm chơi với bạn trong làng, rồi tụi nó cũng rơi rụng hết, đâu tới lớp 9 thì không còn đứa nào tiếp tục. Nên chỉ có mỗi mình mình hạc tới cấp 3 trong cái làng to đùng ấy. Rồi vào cấp 3, lớp A1 hết ½ là từ trường chuyên chuyển lên. Nên chơi với dân trường chuyên quen rồi, chơi với trường thường lớp thường hẻm biết chơi sao….

Hồi đó mỗi lần thi hạc kỳ, cả trường sẽ thi chung. Tên ai có chữ cái đầu tiên giống nhau sẽ ở chung 1 phòng thi. Tony lúc nào cũng đến đứng ở cửa vào phút 89, chờ mọi người đã ngồi hết rồi thì mới bước vào. Không nói không rằng, không nhìn không ngó bất cứ ai. Phát đề xong là ngồi làm bài lặng lẽ. Khi giám thị ghi lên bảng còn 15 phút nữa nộp bài là lúc Tony lên nộp. Làm chưa hết cũng nộp, vì muốn ra sớm hơn mọi người, để hất mặt lên trời cho dễ. Làm toán bỏ câu cuối, còn viết văn là lật đật kết luận. Vì không muốn chen chúc đứng xếp hàng nộp chung với mọi người. Nên điểm thi thấp tè, không bao giờ đạt điểm tối đa.

Lên đại hạc, bệnh chảnh còn hoành hành dữ hơn. Ở tỉnh lên Tp, đen thui cao nhòng ốm nhách, nói giọng địa phương hẻm ai hiểu, đi xe đạp, đạp 1 cái ống quần lên tuốt tên đầu gối, lòi ống quyển đầy lông, mà cũng “ bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa”, thiệt là không ra làm sao. Nhưng vì để được chảnh, phải hạc giỏi. Hạc nghiêm túc, không quay bài hay xin xỏ. Nhưng lúc nào cũng nghi ngờ thầy cô hiểu sai vấn đề rồi truyền bá lại cho mình trật, chưa tin thầy cô bao giờ, vì có phải của họ phát minh ra đâu. Nên phải coi lại sách. Buổi chiều là lên thư viện hạc đến 8h tối, đọc hầu hết các đầu sách có trong thư viện liên quan đến chuyên ngành. Nhưng cũng nghi ngờ người dịch dịch sai, nên mong ước sau này phải qua tận nước bản xứ, để từ miệng cái ông nghĩ ra vấn đề đó nói với mình, thì mới tin là đúng.

Ra trường, Tony làm việc quần quật, bất kể ngày đêm. Mua hàng Trung Quốc bán qua Nga, mua hàng của Pháp bán qua cho Mỹ…, thanh toán LC at sight hết, lấy tiền đô la cho nó phẻ, khỏi phải xin xỏ khúm núm biết điều với mấy con Na thằng Mít mệt bỏ mẹ. Ăn uống điều độ, tập luyện thể dục thể thao, giữ gìn chút dung nhan mùa hạ, đặng bắt tay với quốc tế cũng phải ngang hàng. Cũng mấy lần định kết nạp vô mấy hiệp hội doanh nhân doanh nhéo gì đó, mà hẻm thấy ai ở Việt Nam đúng tiêu chuẩn là doanh nhân cả, người đẹp thì ít tiền, ít chữ; người thông tuệ thì lại xấu, nhìn nhức đầu; người giàu thì lại kém sang và hợm hĩnh. Nên bơ vơ, ngồi chơi 1 mình. Nhu cầu chảnh làm cho người ta phải giỏi, giàu, đẹp 1 cách tử tế. Nhưng khổ lại hẻm có bạn chơi vì chênh lệch đẳng cấp. Nên các bạn có quyền cocky nếu bạn trung thực đàng hoàng, bạn dùng năng lực của mình để giàu và đẹp. Còn nếu không thì nên cúi đầu.

Cái sau này qua Mỹ hạc, mấy trường thường như Yale hay MIT hay Stanford không thèm đăng ký, sợ thầy cô ở đó hẻm đủ trình độ. Bèn phải West Point hay Há Vợt cho được, WP thì già quá nó hẻm nhận nên bèn hạc HV. Qua Mỹ, bệnh chảnh lại bùng phát mạnh mẽ hơn. Từ chảnh trong tiếng Mỹ là cocky, thế là bệnh chảnh ở quê trở thành bệnh quốc tế. Tony ngồi trong giảng đường mà mặt mũi vênh váo thấy ớn. Lúc nhập hạc, nó phát cho mỗi người 1 cái bảng tên, cầm bỏ trong cặp, vô giảng đường ngồi đâu thì gắn ở trước mặt để gọi tên cho dễ. Thường thì khi tranh luận, ông thầy hay đi qua đi lại và mời bất cứ ai phát biểu, ví dụ mời anh John, anh John nghĩ gì về vấn đề này. Hay mời anh Tony phản biện ý kiến của anh John. Nên phải tập trung chứ không ổng mời 1 phát á, nói I am sorry thì nhụt như con cá nụt. Rồi các buổi tối, trong trường thường có party, mình cũng cầm ly rượu vang và miếng bánh, đứng ăn trong 1 góc, mặt mũi lạnh lùng, cứ nhìn lên trần nhà hoặc ánh mắt cứ xa xăm… Mấy đứa da vàng chắc Tàu hay Nhật hay Hàn gì đó thấy Tony là người châu Á bèn đến bắt chuyện. Hỏi where are you from, mình nói Vietnam. Cái nó định nói chuyện câu gì nữa nhưng mình nhún vai, nói mày nói chuyện tao không thấy thú vị, I am sorry. Cái tụi nó hỏi ủa sao vậy, mình nói tao ít chơi với dân châu Á lắm, không thích chơi với chủng “Mông Gô Lô Ít”, mày thông cảm. Tụi nó nói với nhau nghe nói đến từ Việt Nam, định khinh nó, mà chưa kịp đã bị nó khinh trước rồi. Bọn châu Á giàu có như Nhật, Hàn, Đài, Sing…ôm nhau khóc như mưa, vì bị Tony look down. Tony hay "khinh phủ đầu" khi thấy ai đó có biểu hiện khinh người Việt .

Mấy đứa Tây bên kia nghe vậy bèn bu tới, nói vậy tao là Tây nè, tụi tao thuộc chủng “Ăng Lô Xác Xong” nè, chơi đi. Cái mình cũng trề môi, nhún vai, nói suy nghĩ lại rồi, giờ chủng nào cũng hẻm chơi, hẻm thích chơi với người nữa. Tụi nó có hỏi thì trả lời yes no qua loa chứ hẻm thèm hỏi lại. Còn đi hội nghị quốc tế ở Pháp, có đứa tới bắt tay đưa name card, mình từ chối bắt tay, chỉ hỏi là mày có công trình khoa hạc quốc tế nào vừa công bố hem, nếu có thì nói chuyện tiếp. Cái tụi nó nhụt liền, lảng đi. Mấy giáo sư tiến sĩ viện sĩ hàn lâm khác lao đến rầm rập, nói tui có nè, tui có nè, cho tao chơi với.

Cái mình nói, ok let’s show me, đưa tao coi. Sau khi xác nhận xong là bằng cấp thật, công trình thật không phải đạo văn hay mua bằng, Tony lập tức bấm nút Chơi (Play). Trong lúc đang play, thấy tụi nó phơ quá phơ ( phê quá phê), Tony bèn hỏi

Tony: Sao tao khùng thấy bà cố luôn mà tụi mày say mê vại?

Đồng thanh: Vì mày mắc bệnh cocky mà lại easy to love ( dễ thương) và easy to look ( dễ coi). Trên đời này chỉ có một. It’s you, Tony.

Tony: Ồ Dé…

P/S: Các bạn có thể bắt chước Tony. Đi quốc tế cứ hiên ngang. Mình đẹp đẽ giỏi giang, đàng hoàng tử tế, có ăn có học, nhân cách cao vời mắc mớ gì phải sợ tụi nó. Nó mà có nghe nói mình từ Việt Nam đến mà khinh bỉ, thì mình khinh phủ đầu liền.

Chuyện hát ca và nỗi lòng người xa xứ

Âm nhạc có vai trò quan trọng đặc biệt ở xã hội chúng ta, nơi số lượng quán karaoke nhiều hơn tất cả các trung tâm thể dục thể thao, thư viện và nhà sách cộng lại. Hiếm có tiệc tùng nào tăng 2 không phải là đi hát Karaoke. Nắm bắt nhu cầu hát hò đó, trên tivi tràn ngập các cuộc thi âm nhạc, chiếm phần lớn giờ vàng buổi tối. FB Tony có 1500 bạn, dạo 1 vòng, các status update phần lớn là hôm nay ca sĩ này hát hay quá, ca sĩ kia hát dở quá. Hỏi ra, mới hay thời gian buổi tối của rất đông thanh niên Việt Nam bây giờ, kể cả trí thức ( tạm gọi những người tốt nghiệp đại học là trí thức), gắn liền với việc nhìn vào cái máy laptop, Ipad và Iphone và bàn chuyện tào lao, comment cãi nhau suốt, chuyện gì cũng cãi.



Sau một ngày làm việc, ban đêm về chúng ta xem tivi, xem các thần tượng Việt, tài năng Việt hát tiếng Anh giống y chang người nước ngoài. Tivi ở Hàn Quốc, Malaysia, Thailand, đêm đêm tràn ngập các thông tin về dạy làm giàu, dạy đạo đức, làm nông nghiệp, dạy ngoại ngữ, dạy cách sáng tạo, dạy nấu ăn, dạy cách ứng xử, các gameshow khuyến khích chí tự học và tự cường của mỗi cá nhân. Cũng có các kênh giải trí như thể thao, ca nhạc, phim ảnh, ai đã đi làm cả ngày thì tối về bật mấy cái đó xem. Còn ở ta, cứ hát hò suốt, kênh nào cũng hát, tỉnh nào cũng hát….

Ở thành phố còn có cái đi chơi, chứ ở thôn quê ban đêm chẳng biết làm gì ngoài cái tivi. Nó phát gì thì nghe nấy. Nên tối nào, bà con cũng hướng lên màn hình, vui vẻ cười ha hả, rồi thơ ngây lấy điện thoại ra bấm 1900…nhắn tin để làm đầy túi tiền của 1 công ty giải trí nào đó. Mình từng chứng kiến ở miền Tây, một nhà kia có cô con gái đi xuất khẩu lao động, 2 vợ chồng cứ nằm võng kẽo kẹt chờ đến 4h chiều là dò ( tra) sổ đề, tối nào cũng nằm mơ con ong con bướm và đánh đề, chứ chưa nghe thấy nằm mơ thấy con gái. Rồi đêm nào cũng nhắn tin “ dự đoán có bao nhiều đáp án giống bạn” cho mọi gameshow trên tivi. Cả ngày chả làm gì ngoài 2 việc đó. Rồi " Út, mày viết email nói chị Hai mày gửi về ba vài trăm đô coi”. Ai biết những chị Hai bên kia cày muốn chết, cực khổ hay đau ốm gì cũng không dám nói, nên bên Việt Nam tưởng đi nước ngoài là hái tiền như hái lá ổi, cần là bảo gửi về. Sau một ngày mưu sinh vất vả, đêm về những chị Hai ấy nước mắt cứ tuôn trào vì thương phận mình, rồi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ dòng sông lục bình trôi tím ngắt, nhớ mỗi hoàng hôn bìm bịp lẻ bạn kêu tha thiết đến nao lòng.

Có những đội quân thắng trận như Hồng Quân Liên Xô vì họ biết cổ vũ tinh thần binh sĩ bằng những lời như " trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân kéo về" hay tình yêu cũng nhẹ nhàng và hòa trong tình yêu đất nước " tình đã trao nhau êm đềm, gặp nhau lần nào cũng vội vì chẳng đủ gần mà giận dỗi". Nhưng cũng có những số phận, những con người của một vùng đất mà cứ phải đeo đẳng cái nghèo cái hèn, cái bất lực và tứ xứ tha phương cầu thực, những cô gái đất phương Nam bước chân ngàn dặm ra đi lấy chồng Hàn chồng Đài hay làm gái massage bia ôm tận Mộc Châu Sơn La cũng chỉ vì câu hát " thương những đời như lục bình trôi". Ít có cô gái miền trung nào làm nghề này vì ở miền trung đâu có những bài hát buồn như vậy. Hẻm có cô gái bán bia ôm nào vào phòng sau khi sà vào lòng khách là không chụp micro hát vang trong nước mắt bài "Tội tình" với "sao anh bỏ ra đi, em nào có tội tình gì, sao anh bỏ ra đi, em nào có lỗi lầm chi?" Còn nếu bạn đi karaoke với 1 bà giáo sư tiến sĩ nào đó, bạn sẽ nghe bà ấy cầm micro hùng hồn với " dậy mà đi, dậy mà đi, ai chiến thắng không hề chiến bại". Nghe nhạc hùng hồn như thế mới ăn học thành tài được, chứ nghe “ngày mai em lên xe hoa, mang cả tình anh lên theo xe tang” thì rụng rời chân tay, còn muốn học muốn làm gì nữa?

Lúc ở bển,Tony sợ vào quán của người Việt mặc dù thèm đồ ăn ở đó. Vì vào nghe toàn nhạc buồn rên rỉ ỉ ôi, nhớ nhà lắm, muốn bỏ học. Có cái bài gì, "ở bên này nhớ cha nhớ mẹ, may mà thời gian trôi vun vút, không như Sài Gòn, nếu không tôi đã khóc một dòng sông". Ngồi nghe xong nước mắt cứ chảy dài, trời đông lạnh giá, nước mắt vừa trào ra đã khô cứng trên má, gỡ ra bỏ vô ly cà phê nóng thành cà phê đá (rẻ hơn 1 usd). Công ty nào nghe nhạc sến cả ngày trước sau gì cũng phá sản. Người nào nghe nhạc sến cả ngày thì trước sau gì cũng bị chồng bỏ vợ quánh bầm mắt cho coi.

Vậy phải làm sao? Làm sao để lên dây cót tinh thần? Kinh tế đang suy thoái, nên nghe nhạc hùng hồn để có tinh thần làm ăn. Đang buôn bán ế? Bạn nên dẹp mấy nhạc rầu rĩ nếu đang nghe. Tony cũng vậy, giờ quyết định hẻm coi cải lương nữa. Coi khóc hoài. Bữa thương con Lan bữa thương thằng Điệp. Bữa tội nghiệp cô Lựu (hổng phải Mai thị Lựu). Khóc quá nên hết muốn làm ăn gì.Lúc rảnh rỗi giải trí, Tony sẽ chuyển qua nhạc hồng quân Liên Xô hay xem Gangnam Style. Nghe là hưng phấn, lao đi gặp khách hàng, cười nói lả lơi, rồi nếu nó không chịu ký hợp đồng thì hưng phấn đập phát chết tươi.

Quyết đi nhổ hết tóc bạc và kéo căng da mặt ở thẩm mỹ viện. Hay đi làm răng sứ cho nó lóa sáng bên nha khoa bác sĩ Bảy. Chiều sẽ đi thể thao, có thể là đi quánh golf hay chơi tạt lon với mấy đứa nhỏ trong chung cư. Sẽ đi Metro mua về 1 thùng nước collagen trước khi ngủ uống 1 lon cho nó trẻ.

Ngày mai, sẽ là 1 Tony đầy năng lượng, phơi phới mười tám đôi mươi, kiêu hãnh bán phân giữa dòng đời xuôi ngược.

Chuyện thuốc chuyện men

Nói chuyện men trước rồi chuyện thuốc sau. Có lần Tony đưa 2 ông giáo sư Nhật lớn tuổi đi công tác ở Tây Nguyên. Lịch làm việc thì dày, mà 2 ông thì lại không biết từ chối khi các đối tác Việt Nam ép rượu. Văn hóa gì kỳ, người ta uống không được thì thôi. Nhậu chả thấy vui, toàn khích bác nhau, rồi nôn tháo nôn mửa. Đồ ăn ngon cách mấy chứ cuối cùng cũng vào trong toilet hết. Rượu bia chỉ là chất xúc tác để nói chuyện thêm hưng phấn chút, chứ đâu phải là cái để thể hiện cái nhiệt tình. Tony nói thẳng luôn, tui nhậu rất vui, tui khỏe là tui uống nhiều, không khỏe là uống ít, ai mà ép là tui bỏ về ráng chịu. Nên đối tác thấy sợ, chỉ ép 2 ông Nhật, tơi bời hoa lá.

Sau mấy ngày tơi tả rượu bia, một bữa nọ đang trong hội thảo nông dân, 1 ông tự nhiên bị đau bụng dữ dội nên Tony mới đưa vô bệnh viện huyện. Đưa thẳng vào phòng cấp cứu luôn nhưng bác sĩ trực hôm đó đi ăn đám giỗ. Cô y tá gọi điện thì nghe ông bác sĩ nói thôi cô cứ khám tổng quát đi, rồi tôi về liền. Xong ổng cũng về, một chữ tiếng Anh cắn đôi cũng không biết nhưng thấy có khách nước ngoài nên hăng hái lắm, nói em dịch cho anh, anh khám quốc tế coi. Mấy ông bác sĩ y tá khác nghe có người ngoại quốc đến bệnh viện huyện ta đều bu lại coi, xôn xao ngoài cửa kính. Khám xong ông bác sĩ nói không sao, uống liền các viên thuốc này là khỏi, đưa đâu 1 bụm cả trăm viên. Cứ cái nào cũng ngày 3 lần. Ông Nhật nói cảm ơn nhưng nói thôi đem về khách sạn uống.

Về khách sạn, ổng kêu mày lên mạng tra giùm các gốc thuốc này, vì bọn mình làm nông dược nên thuốc men cũng biết chút đỉnh. Dược phẩm là cho người, thú y là cho thú còn nông dược là cho cây, cũng đều là thuốc men nên mình cũng biết cách tra cứu. Thấy chẩn đoán là đau dạ dày mà toa thuốc có viên chỉ định cho việc tỉnh táo chống buồn ngủ, có viên đặc trị tiểu đường, có viên bổ khớp, có thuốc trị dị ứng ngứa ngáy ngoài da, có viên là vitamin giúp sáng mắt, lưu thông máu, có viên giúp cường tráng sinh lực tráng dương bổ thận. Uống vào 1 phát, vừa thức sáng đêm do tác dụng chống buồn ngủ, rồi lại mắt sáng, khớp khỏe, da dẻ hết ngứa ngáy, rồi sinh lực tràn đầy. May mà ông Nhật kiên quyết không uống, chứ uống mà nó có tác dụng 1 cái, không biết nửa đêm ở chốn rừng núi hoang vu ấy, Tony tìm đâu ra các đối tượng cho ổng giải thuốc.



Thấy thế, Tony lén lấy của ổng uống vài viên rồi đi nhậu thâu đêm suốt sáng với tụi đại lý bán phân thuốc. Bọn nó ai cũng nể phục nói sao khỏe quá vậy đại ca. Kể chuyện hồi chiều vô bệnh viện gặp tay bác sĩ trực tên vậy vậy, mấy ông đại lý mới kể là ông bác sĩ đó trùm tào lao, ở huyện này ai hổng biết. Hồi thi Y có mấy điểm chia đều cho 3 môn Toán Hóa Sinh thôi, còn cộng ưu tiên nên mới đậu đó. Hèn gì.

Đại hạc Y khoa thật sự thường lấy điểm cao, năm nào thí sinh ít nhất trung bình 8-9 điểm một môn mới vô được. Vì người ta cần 1 hạc sinh cần mẫn học tập, cần sự chính xác tỉ mỉ, làm bài không có sai sót gì mới đạt cái điểm ấy ( chưa nói vụ thông minh hay dở, nhưng thi điểm cao chứng tỏ họ cẩn thận trong chữ nghĩa, cẩn thận trong tính toán, ghi chép các con số..., nên khả năng ít mắc sai sót sau này). Bữa nay mới biết vụ bé gái ở Hà Nội đi khám bị chẩn đoán phù nề bao quy đầu làm con bé thơ ngây tưởng cái đầu mình sắp biến thành con rùa to như trong phim hoạt hình. Rồi 1 ông già 80 tuổi ở Huế đi khám bị kết luận rối loạn kinh nguyệt làm ổng khóc quá trời, nói răng mà lại rứa, ông sợ bị chảy máu chất xám.

Thằng cháu tên Tí dưới Cà Mau nói vừa đậu đại hạc V., hệ bác sĩ đa khoa, dù nó chỉ đủ điểm sàn 14 điểm. Mình nói ủa sao đậu được, đại hạc Y Khoa Cần Thơ lấy 25 điểm mà, nó nói V. là trường y mới mở. Thằng này ẩu và lười nên làm bài 1 môn chưa tới 5 điểm, dù đề năm nay dễ ẹt. Nó bất cẩn, không bao giờ xem xét coi ngó kỹ càng cái gì nên thi chỉ có bi nhiêu điểm đó thôi. Vì có 3 điểm ưu tiên trong khi trường mới này xét nguyện vọng 2 lấy có 17 điểm, rồi nó cũng sẽ thành bác sĩ. Vừa mừng vừa lo. Lo vì nó cứ ngáo ngơ sai sót bất cẩn như vậy, cứ bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân, rồi chẩn đoán bệnh A ra bệnh B…thì coi chừng người nhà bệnh nhân nó quánh. Dân chúng bây giờ hung dữ lắm, hở ra là quánh.

Dự định lúc Tony về già (lúc tiêu tiểu không tự chủ), cho thằng Tí lên Sài Gòn ở cạnh nhà. Dù sao nó có kiến thức y khoa cũng đỡ cho mình. Đêm hôm có chuyện gì nó khám cho. Mà cũng sợ, lỡ bữa mình đang bị tiêu chảy, nó quất cho viên nhuận trường thì trầu quâu.

Chắc ngủ luôn ở trỏng

Phim Việt Nam

Nói chung là Tony hẻm có thích coi phim. Coi nhức đầu, thấy toàn theo ý biên tập và đạo diễn. Bộ phim Hàn Quốc cuối cùng coi là Anh em nhà bác sĩ, lúc còn ở nhà trọ. Phim Tây ko nhớ phim nào, vì coi toàn cà giựt cà thọt, không đầu không đuôi. Phim Việt cuối cùng coi là Khi đàn ông có bầu, phim hài mà cả rạp hẻm ai cười.

Tết này không đi đâu chơi vì chen lấn không lại, nên ở nhà mở ti vi ra coi. Bật qua mấy kênh, đều thấy phim Việt Nam, do Tết, chứ bình thường toàn phim Trung Quốc và Hàn Quốc, dù thế giới có hơn 200 quốc gia. Hẻm hiểu vì sao.

Các phim Tony đang xem đều là những phim buồn, thấy diễn viên có khóc. Bối cảnh phim thấy toàn quay ở Đà Lạt, vì diễn viên phải mặc áo lạnh và quấn khăn cho giống phim Hàn, nên nếu quay bối cảnh Sài Gòn thì người ta tưởng khùng. Nên phim nào cũng có chuyện làm doanh nghiệp doanh nhân, có biệt thự ở Đà Lạt và có biệt thự ở Sài Gòn. Chắc đi đi về về. Thấy toàn biệt thự và xe hơi không, không có nhà ống nhà phố lô nhô, nhà cấp 3 cấp 4 xập xệ hay đi xe máy. Tên diễn viên cũng giống tiểu thuyết Quỳnh Dao, trai thì toàn Gia Thành, Gia Nghĩa...và gái là Gia Hân, Gia Lệ, Gia Tú...chứ hẻm có Nguyễn Thị Bưởi hay Trần Văn Mít, Lê Thị Ổi. Sinh viên gì toàn vô bar uống rượu Tây. Bệnh nặng hay nan y cũng môi son đỏ chót. Ngủ thì mắt vẫn gắn lông mi giả nặng trình trịch và bận áo bận quần pyjama xoa xít bóng có mấy đồng tiền. Bà mẹ già đội nón lá cho thuần Việt nhưng lại gọi con dâu ra quán ngồi uống rượu Sochu nói chuyện phải quấy. Coi mà cười rất vui.



Còn nhớ ngày xưa, lâu lâu có phim Liên Xô về, cả xã nô nức ra bãi đất trống chỗ sân vận động để coi. Có ông thuyết minh nói trực tiếp nghe đã gì đâu. Hết thời này thì chuyển qua thời phim video, nhứt là phim Phạm Công Cúc Hoa nghen, khóc phải nói tơi bời hoa lá. Cả lớp, hồi đó hạc cấp 2, đứa nào cũng yêu mến các minh tinh này nên giờ ra chơi, toàn tụ năm tụm bảy nói chuyện Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Thu Hà...Có thông tin gì thì nói cái đó. Cũng có khi chẳng có thông tin gì nhưng cũng tự ý thêm thắt, kiểu tụi mày biết hông, tao có bà dì ở Sài Gòn về kể nè, Mộng Vân yêu Công Hậu. Riêng có 1 đứa trong lớp, thằng này rất cá tính, cả lớp ai cũng thần tượng Lý Hùng Diễm Hương thì nó bĩu môi chê, nó chỉ thích ....Ngọc Sơn và Y Phụng.

Cảnh nude hồi đó cũng dễ thương. Cứ có cô gái, thấy 1 dòng suối, cái cô nhìn quanh, dáo dác coi có ai không để xuống tắm. Khán giả nín thở. Cái cô từ từ cởi áo, nhảy ủm xuống suối. Quần áo của cô vẫn mắc trên cành cây, gió thổi lay qua lay lại. Cái khán giả thấy cô trườn lên, chuẩn bị leo lên bờ thì rầm rập, 1 đoàn tàu chạy qua. Chờ tới cái toa cuối thì đã chuyển qua cảnh nói chuyện.

Mấy thằng choai choai trong làng coi đến đây phun nước miếng chửi thề, rồi bỏ về hết. Tony coi chút nữa thì cũng theo mấy chị đi về nhà, ra giếng lấy cái gáo múc nước trong vò, ngửa cổ uống 1 hơi nước lạnh cho đã rồi vô mắc mùng đi ngủ.

Chụy lái đò

Hôm nọ, Tony đi cà phê với Mr John, giám đốc 1 công ty thức ăn chăn nuôi ở Bình Dương. John nói tao phỏng vấn tuyển nhân viên, có 3 ứng viên đều đạt tiêu chuẩn. Tao chờ thử khi về nhà, coi ai gửi thư cám ơn thì sẽ nhận vô làm.Dù sao cũng vài dòng “cám ơn đã dành thời gian phỏng vấn tôi’ như là 1 phép lịch sự, dù không có bắt buộc. Chờ miết hẻm thấy đứa nào gửi. Nên đành phải phỏng vấn tuyển tiếp.

Tony nói thôi mày khùng quá John. Tết Công Gô cũng không tìm ra. Kiếm đứa nào mới ra trường, mặt mũi thông minh lanh lẹ, học trường nào cũng được, miễn là có đọc Tony Buổi Sáng thì đều là đứa khá về mặt tư duy và đạo đức, rồi đào tạo nó về mặt chuyên môn, ươm trồng rồi hái quả.



Nói mới nhớ. Có mỗi cái hậu thư (follow-up letter) hay cái thư cám ơn ( thank-you letter), sao người mình ít ai biết. Nhiều bạn kém 1 chút, nhưng phỏng vấn xong, khi về nhà gửi công ty vừa phỏng vấn 1 thư cám ơn. Nhờ cái thư đó mà được nhận vào làm. Vì hành động chút xíu đó thể hiện sự chỉn chu, tinh tế, biết trước biết sau, kỹ càng, lịch sự. Doanh nghiệp thấy đứa này với tính tình dễ thương như vậy, sau này đối tác khách hàng gì cũng yêu mến nó mà mọi việc thuận buồm xuôi gió. Làm cái gì cho công ty cũng hanh thông vì người ta có cảm tình.

Cám ơn là câu cửa miệng của người nước ngoài, nhưng người mình thì ngày càng hiếm hoi. Chữ cám ơn một cách thật lòng, xuất phát từ lòng biết ơn chân thành, là 1 tiêu chí để đánh giá con nhà có giáo dục tốt từ cha từ mẹ. Người ta cho mình cái gì, dù nhỏ xíu xìu xiu, cũng phải biết ơn. Còn cũng có thể loại thô lỗ, đi tới nhà người ta đãi ăn đãi uống đã đời, về xong im thin thít. Hẻm có nổi cái tin nhắn “ đã về nhà an toàn, cám ơn Tony đã cho em ăn bữa tối hôm nay”, thật ra Tony cũng chỉ lo đi đường có sao không. Đi công tác nước ngoài cũng vậy, lúc ra sân bay ở bển thì ôm hôn tạm biệt thôi là tạm biệt, nhưng về nước thì im re, hẻm có nổi cái email cám ơn về sự đón tiếp của bản ( thanks for your hospitality). Đi về nước thì phải gửi thư nói đã về nhà an toàn, cám ơn thời gian mày tiếp đón tao ở Shanghai chớ. Phép lịch sự và lòng biết ơn tối thiểu này, sao ko ai dạy tụi nhỏ cả. Để ra quốc tế, người ta coi thường, nói người Việt thực dụng thế này vô cảm thế kia. Lúc trên sông thì ngon ngọt với cô lái đò, qua sông là phủi đít cái rẹt. Vài bữa đi đò lại thì lại năn nỉ ỉ ôi, em chào chụy, chụy lái đò của em, em của chụy đây mà...

Ngày 20/11 thì chỉ đi thăm thầy thăm cô lúc đang còn học lớp của họ, chứ học xong là quên luôn, gặp ngoài đường giương mắt ếch ra nói ông này bà này nhìn quen quen. Lúc cần xác nhận bảng điểm hay bằng cấp hay thư tiến cử đi xin học bổng gì đó, thì lại vác mặt đến nói cô nhớ em hem, làm là Tèo lớp cô ngày xưa nè, giả lả kể kỷ niệm này kỷ niệm kia. Nhiều thầy cô ký đại cho xong chứ chẳng biết nó là ai, và nó cũng chẳng cần gì ngoài cái chữ ký ấy. Nuôi mèo nuôi chó thì bắt nó ăn phân, bắt giữ nhà,nhưng nổi cơn thèm đạm lên là ông chồng lấy chày đập phát chết tươi, bà vợ cạo lông rồi bỏ vô nồi luộc, 2 vợ chồng ngồi ăn nói sướng mồm ghê nhỉ. Cái đuôi hay vẫy này, em hầm em ninh với đỗ đen ăn cho bổ. Cái tay hay bắt này, rựa mận nhá anh. Cái lưỡi hay liếm chủ nè, để chụy xắt mỏng làm nộm hoa chuối. Cái tư tưởng “nhân dưỡng vật, vật dưỡng nhân” từ Trung Hoa đã lây lan sang biên giới, rồi phát triển mạnh mẽ dưới hoàn cảnh đói kém ở nông thôn thời phong kiến, nay ở thành phố người ta lại muốn phục hưng cái hủ tục lạnh lùng ấy, một cách vô cảm và vô ơn. Các bạn trẻ nên nhớ điều này, thấy mấy đứa ăn chó ăn mèo thì nói nó, nó mà không nghe thì thôi nghỉ chơi. Thể loại vô cảm với vật, thì cũng sẽ vô ơn với người.

Cũng có thể loại người, cả chục năm không gọi không liên hệ gì với bạn bè cả, lâu lâu gọi, nói tao Nguyễn Văn Tí nè, bạn lớp 7 của mày nè, nhớ hông nhớ hông. Thì y như là: 1-mượn tiền, 2- mời đám cưới, 3- nhờ vả gửi con gửi cháu. Tony gặp thể loại này là từ chối thẳng, nói cho mày mượn tiền rồi sao lấy lại được. Hổng lẽ chục năm sau mày lại xuất hiện rồi trả? Nó giận dỗi, nói mày không coi trọng bạn học gì cả. Bạn học là cái gì đâu, chẳng qua trời xui đất khiến sao đó mà hồi đó ngồi chung với mày 1 lớp vậy thôi chứ gì mà ghê vậy. Tony nghĩ dù là bạn gì cũng vậy, phải có tình có cảm, có gặp gỡ với nhau, giao lưu với nhau, chứ chỉ xuất hiện lúc cần, biến mất, rồi lại xuất hiện, thì mối quan hệ đó để làm gì. Tốt nhất là dẹp cho xong. Mình chỉ có 24h trong ngày, đi làm hết 8 tiếng, ngủ hết 8 tiếng, chỉ còn có 8 tiếng còn lại và có tới 7 tỷ người trên trái đất này. Hãy dành thời gian cho người xứng đáng.

Nhiều người chả rõ tôn giáo mình là gì, lâu lâu đến chùa đến miếu là để xin. Xin tiền, xin duyên, xin thi đậu, xin cho con lấy được Tèo Đô La để con có tiền đô con xài, cho con trúng số... toàn xin với xỏ, chứ giáo lý Phật pháp 1 chữ không biết, chẳng biết cái miếu đó thờ ai. Mua chim thả phóng sinh, thả cá thả rùa, trong khi trong tâm thì chẳng bao giờ làm điều tốt, chẳng thương người, sống ích kỷ, chỉ biết cho mình, vun vén cho bản thân và gia đình mình, còn ai thì mặc kệ.

Nhóm người này đều không thành công cả công việc lẫn cuộc sống vì thánh thần và người phàm chẳng ai yêu thương cái thể loại thực dụng ấy. Có những đám cười, mời 20 bàn mà chỉ có 5 bàn là có khách đi, 15 bàn còn lại vắng hoe ruồi bay qua bay lại. Thì ráng chịu chớ buồn bã làm gì? Sao không ăn ở như bát nước đầy đi, thì làm gì có chuyện cô dâu và chú rể ôm nhau khóc vì lỗ chỏng gọng sau đám cưới?

Ban đêm về, ngồi đếm tiền, rồi cãi lộn, chú rể mắng nói tại em mời khách mà khách không đi, cô dâu cũng nói tại anh. Đổ qua đổ lại..

Rồi động phòng không xong, biến thành động thủ. Quánh nhau rầm rầm, mặt mũi sưng húp....

Nhưng sáng phải dậy sớm, đôi uyên ương phải dậy thật sớm, ngồi ăn cho hết 15 phần thức ăn nhà hàng gói mang về.

15 cái lẩu. Má ơi.

Ăn muốn trào bản họng.